TỪ MỸ THO ĐẾN GARDEN GROVE

Câu chuyện bắt đầu từ hôm anh từ Cai Lậy về Mỹ Tho dự tang lễ của một đồng đội chung quân trường, cùng đơn vị và cũng là bạn học thời niên thiếu. Người chiến sĩ Mũ Nâu vắn số rất được gia đình của vị hôn thê thương mến nên khi biết anh là bạn thân, thì từ sau ngày đau buồn đó, tình cảm của cả nhà dành cho anh nồng nàn không kém những gì đã dành cho người quá cố. Một thời gian sau thì mỗi lần có dịp về phép, anh đều ghé qua chào hỏi và thăm viếng họ như người bạn tử sĩ của anh vẫn hay làm trước đó. Thêm một thời gian nữa thì tình thân trở nên đậm đà như thể anh là con trong gia đình và là anh của người thiếu nữ chưa kịp kết hôn đã trở thành góa bụa. Từ dạo đó, cứ mỗi lần biết tin anh về thăm nhà thì song thân người con gái ấy luôn nhắn tin mời anh qua ăn cơm với gia đình hoặc gởi chút quà - thường là bánh mứt và các loại thực phẩm khô- để anh mang ra đơn vị lúc hành quân. Thân tình cứ thế tăng dần theo thời gian. Cho đến một hôm, khi anh vừa về đến nhà thì ba má cô gái cho người mời qua gặp ông bà để có chuyện quan trọng cần bàn thảo.

Anh đến gặp họ- những người mà từ lâu anh đã xem như cha mẹ nuôi của mình- bằng một tâm trạng vừa lo lắng vừa hồi hộp vì không khí trong nhà có vẻ trịnh trọng rất khác thường.

- Hai bác thấy lâu nay con thường hay xa nhà, mà ba má con cũng cần có người giúp đỡ trong ngoài cho nên...

Bà mẹ buông lửng câu nói và anh thì bồn chồn chờ nghe câu kế tiếp vì anh đoan chắc thế nào bà mẹ cũng ngỏ ý gả cô con gái rượu của ông bà cho anh. Nhưng anh chỉ đoán đúng có một nửa...

- Hai bác có quen một gia đình ở Chợ Gạo. Họ không giàu nhưng rất gia giáo. Nếu con không chê chỗ nhà quê thì theo hai bác về xã Đăng Hưng Phước để ...coi mắt cô con gái của họ.

Anh lúng túng một hồi lâu và cảm thấy quá bất ngờ rồi mới gật đầu vì chỉ mới hôm trước, ba má anh cũng gợi ý tìm cho anh một bạn đời để gia đình có thêm người cho đỡ hiu quạnh. Ít lâu sau thì anh làm đám cưới với cô gái mà ba má nuôi giới thiệu và ba má ruột của anh cũng rất bằng lòng. Riêng anh thì tuy không phải là " Tình bén lửa ngay lần đầu gặp gỡ " nhưng rồi sau đó thì " Nợ ba sinh một nét rất đậm màu " và tuy là trong lá số Tử Vi của anh không thấy có an bài vị trí của " Thân cư Thê ", nhưng quả thật từ sau khi lấy vợ và khi sanh đứa con đầu lòng thì quan lộ của anh đã như diều gặp gió. Năm 1966, từ chức vụ trưởng ban 3 của một đơn vị Mũ Nâu thiện chiến tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, anh được thuyên chuyển về một nơi an lành ngay tại hậu phương lớn là thủ đô Sàigòn. Cứ như là trong cung Thê của lá số Tử Vi đã có các sao Long Trì, Phượng Các và cung Mệnh đã an bài Tả Phù, Hữu Bật. Chả thế mà sau 6 năm " sáng xách cặp đi, chiều xách cặp về " và sau khi tốt nghiệp một khóa quân chánh, anh được đề bạt đi làm quận trưởng tại một tỉnh thuộc miền tây nam phần. Tất nhiên là anh chọn quận Chợ Gạo thuộc tỉnh Định Tường, là quê bên vợ, rất gần với tỉnh lỵ Mỹ Tho vốn là nơi anh sinh sống với gia đình từ lúc mới lên 6 tuổi.

Cuộc sống vừa mới yên bình và con đường tiến thân tưởng chừng như rất thênh thang, thì không ngờ chỉ một thời gian ngắn là tai họa từ đâu ập tới. Một ngày đầu xuân đất bằng dậy sóng nên anh trở thành nạn nhân của một vụ xì căn đan lớn nhứt của nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Mặc dù vô can, anh vẫn lãnh trọn gói 20 năm khổ sai và bị đày ra Côn Đảo cùng với khá đông những nạn nhân khác cũng trở thành dê tế thần như anh. Là một quân nhân chuyên nghiệp được huấn luyện và hun đúc trong tinh thần của kẻ sĩ, anh bằng lòng với số phận - hay nói cho đúng hơn là sự an bài - mà chính quyền quốc gia đương nhiệm dành cho mình. Anh không biết những người khác nghĩ gì về cơn bỉ vận này, nhưng riêng phần anh thì chấp nhận trả ơn cho Quân Đội và chánh thể Việt Nam Cộng Hòa bởi tầm vóc quan trọng của vấn đề đã vượt quá lãnh vực quốc gia. Không chỉ có phía cộng sản Hà Nội, đám đối lập, bọn phản chiến, những kẻ thân cộng đội lốt thành phần thứ ba, mà còn cả báo chí và truyền thông thiên tả trong và ngoài nước đều đã tận tình khai thác sự việc để hạ nhục thể chế và các cấp lãnh đạo dân chính cũng như quân đội của Việt Nam Cộng Hòa. Anh vô tội và tin là Trời cao có mắt nên đã chấp nhận trọng hình trong niềm tin vào chân lý tất yếu của đời sống, đó là: rồi chuyện gì cũng sẽ trôi qua. Anh chưa " gỡ lịch " được bao lâu thì tình hình chiến sự ngày càng trở nên tồi tệ. Địch tiến như chẻ tre, chiếm đâu giữ đó. Việt Nam Cộng Hòa lần hồi tổn quân, mất đất, mất dân nên khi phòng tuyến gom về gần Sài gòn thì có tin anh sẽ được ân xá để trở về phục vụ trong một sư đoàn tân lập mà nòng cốt là những liên đoàn thiện chiến của Biệt Động Quân. Đơn vị tinh nhuệ cuối cùng được cấp tốc thành lập là hai sư đoàn lấy từ binh chủng Mũ Nâu, nhưng chưa kịp ra quân thì cả nước rơi vào tay cộng sản. Tất nhiên là từ Côn Đảo anh được đưa về đất liền để tiếp tục...trả nợ! Nếu món nợ đầu tiên được đặt trên nền tảng Tổ Quốc- Danh Dự và Trách Nhiệm thì ngục tù bao la sau khi mất nước là " món nợ đời phải trả cho đám quỷ ma ". Hiểu theo nghĩa " kẻ thắng trận tha hồ làm tình làm tội người thua cuộc " thì đó là đúng là một món nợ " trần ai " mà 17 triệu dân miền nam cùng gánh nhận sau khi phần đất tự do bị hoàn toàn nhuộm đỏ.

Thế là chút của cải, vật chất dành dụm từ đồng tiền Lính lần hồi ra đi để đổi lấy từng ngày lây lất sống. Gánh nặng gia đình từ ngày anh vướng vào vòng lao lý đã ngày càng thêm nặng trên đôi vai của người vợ Lính trước giờ chỉ lo nội trợ. Thương vợ một mình phải tảo tần nuôi chồng, lo cho con và cho cả tứ thân phụ mẫu, từ trong rừng sâu cuả vùng U Minh Thượng- nơi anh và các chiến hữu bị kẻ thắng cuộc giam cầm trong cái gọi là " trại cải tạo "- anh nhắn tin về cho vợ và bảo chị đừng lo cho anh mà hãy lo cho tương lai của chính mình còn các con thì cứ gởi cho bên nội hoặc bên ngoại nuôi nấng cũng được. Giải pháp mà anh chọn cho chị tuy nao lòng và tiêu cực nhưng rất thực tế. Đó là vì chị hãy còn trẻ nên cần phải làm lại cuộc đời với một người khác, một người có thể bảo bọc cho chị qua những ngặt nghèo của cuộc đổi đời. Đối với một người tù khổ sai chung thân như anh thì giải pháp đó là hành động duy nhứt để vợ nhà bớt đi một gánh nặng trần thân, một khổ hình về cả tinh thần lẫn thể chất. Trong hoàn cảnh tù đày, anh thấy mình bất lực và không có cách nào thiết thực hơn là thà một mình chịu khổ còn hơn là níu kéo theo người vợ trẻ. Nhưng suy nghĩ bi quan, yếm thế đó không phải chỉ là hình ảnh bi lụy của những người đang bị trả thù gián tiếp như anh và hàng trăm ngàn quân- cán- chính khác, mà đó cũng là ý đồ bất nhân của những kẻ đang cầm quyền từ trung ương đến địa phương sau khi cưỡng chiếm được toàn miền Nam. Điều mà chế độ cộng sản mong muốn nhìn thấy là sự đổ vỡ trong các gia đình có người thân đang ở trong những trại tù khổ sai đó. Chúng muốn bôi lọ và đánh đổ phẩm giá của những người vợ lính và tất nhiên, trong hoàn cảnh hết sức nghiệt ngã của cuộc đổi đời, đã có không ít những trường hợp đau buồn khi người vợ ôm cầm sang thuyền khác, bỏ mặc chồng trong lao lý và giao đàn con nheo nhóc cho hai bên nội, ngoại cưu mang.

Nhưng chị thì khác! Người vợ lính ngày nào chỉ biết nội trợ và thu vén mọi việc trong bốn bức tường của tổ ấm gia đình, đã quyết chí không bỏ rơi chồng, không xao lãng bổn phận với con. Chị không nản lòng thoái chí khi cửa nhà sa sút, không than thân trách phận khi cuộc sống cứ từng bước đi xuống đến tận cùng bằng số của khó nghèo. Ngược lại, chị mau chóng thích ứng với hoàn cảnh bằng cách mở một gánh hàng ăn lưu động với những món khoái khẩu để bán cho những bạn hàng nơi chợ quận và cả khách quen tận Mỹ Tho. Do đã quen với cuộc sống thanh bần, chị thức khuya để nấu nướng, dậy sớm để chất mọi thứ cần dùng lên chiếc xe đạp, rồi tần tảo mỗi ngày hai bận đi về trên đoạn đường 30 cây số để bán từng tô bún, từng chén chè, hay từng dĩa cơm, từng chiếc gỏi cuốn...Hạnh phúc của chị thật đơn sơ và niềm vui cũng đầy tràn khi hằng ngày mọi thức ăn chị bày bán đều được khách quen chiếu cố rất tận tình. Rồi thì cứ thế mà tiếng lành đồn xa. Lần hồi, chị thầu luôn những tiệc tùng cho giổ quảy hay cưới hỏi của những người quen biết trong vùng. Công khó của chị được đền bù bằng những đồng tiền góp nhặt để vừa lo cho đàn con, vừa gói ghém những thứ cần thiết- từ thực phẩm đến thuốc men - để tiếp tế cho anh một cách đều đặn. Chị là hình ảnh của người vợ Lính qua mọi thời đại, là hình ảnh thiết thực và sống động của tình nghĩa phu thê qua bao thời kỳ và là biểu tượng tình yêu tuyệt đối luôn thăng hoa trong mọi hoàn cảnh.

Anh thầm mang ơn chị và vô cùng cảm động mỗi lần anh nhìn thấy chị khệ nệ tay xách, nách mang những thứ vô cùng quý giá cho một người tù ..." cải tạo ". Con đường từ Chợ Gạo đến U Minh Thượng phải mất hai ngày trời. Một ngày ngồi xe liên tỉnh để xuống tới Vị Thanh- thủ phủ của tỉnh Chương Thiện ngày xưa- cũng đủ làm cho cả người ê ẩm huống chi phải thêm một ngày bắt tắc ráng để vượt sông Cái Lớn, qua Kinh 5, Võ Lãi trước khi vào tới U Minh Thượng là nơi anh và những Quân- Cán- Chính của miền tây đang chịu đọa đày của phe thắng cuộc. Anh cũng thầm cảm ơn Trời Phật đã giữ anh lại mặc dù đã có tên trong danh sách chuyển trại để ra tận... miền bắc! U Minh là một vùng rừng thiêng nước độc với rừng mắm bạt ngàn, muỗi mòng, đĩa trâu và ...sốt rét nhưng anh thấy hạnh phúc vô vàn khi có lệnh của ban quản trại giữ anh lại- ngay lúc những đồng cảnh trong trại đang phải gom mớ hành lý lèo tèo của mình lên ghe- để xác minh một " tội ác " mà đám dân địa phương đã tố giác anh với chính quyền mới tại Mỹ Tho. May cho anh! Đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên về tên họ với một quân nhân khác mà họ gọi là có " nợ máu " với nhân dân. Xong cuộc điều tra thì đã qua đợt chuyển người hết mấy ngày và chánh quyền địa phương thì lại không có khả năng và phương tiện để đưa một người tù đi cả ngàn cây số ngược ra miền bắc. Vì thế, anh là người duy nhứt mang cấp tá mà còn được ở lại U Minh Thượng để ...lao động tốt!

Đại hạn của anh chấm dứt năm 1986, nhưng hạnh phúc sum vầy chưa kéo dài được bao lâu thì tiểu hạn của anh bắt đầu bằng bản án " cướp tàu quốc doanh để vượt biên" sau khi anh dính líu vào một vụ " làm ăn " rất thời thượng lúc bấy giờ. Lần này thì anh gỡ 5 cuốn lịch. Một cái giá " rất phải chăng " và có thời hạn đàng hoàng! Thời gian 17 năm sống trong tột cùng của nhục nhằn và khốn khó đã hun đúc trong anh một sự chịu đựng bền bĩ về cả tinh thần lẫn thể chất. Nhưng điều mà anh cảm nhận sâu xa nhứt chính là tình nghĩa vợ chồng đã không vì sự khắc nghiệt của môi trường hay thiếu thốn về vật chất mà suy giảm. Ngược lại, gia đình anh càng khắn khít hơn, càng yêu thương nhau hơn. Yêu chị qua hình ảnh của một người vợ trẻ rất mực thủy chung, thương chị đã quá vất vả trong suốt thời gian anh vướng vòng lao lý, nên khi qua đến bến bờ tự do, anh để chị ở nhà lo lắng việc nội trợ như xưa còn anh thì bươn chải mưu sinh bằng cách tìm đủ mọi công việc nào thích hợp với khả năng của mình. Ở lứa tuổi đã tri thiên mạng và nhứt là với một quá khứ khá...vàng son, anh đã gặp phải nhiều ánh mắt nghi ngại khi lần đầu đi xin việc.

- Anh đã hơi lớn tuổi rồi! Liệu có đủ sức vác nặng hay không?

- Thì cứ thử tôi trước cũng được!

- Anh đã từng giữ chức vụ khá quan trọng trong quân đội nên...

- Đó là chuyện của 20 năm về trước. Bây giờ thì tôi cũng như mọi người mà thôi...

Đại khái những câu hỏi và câu trả lời trong những lần đi xin việc là như thế! Sau cùng thì có một người chủ chợ bằng lòng cho anh làm thử...hai tháng. Sau hai tháng thì người thương gia đó không còn chút nghi ngại gì với anh nữa. Trời thương ban cho anh sức khỏe khá dẻo dai nên anh cứ thế mà miệt mài với những công việc cần tới bắp thịt. Trời cũng thương cho dân Việt lưu vong khi bỗng dưng mọi người đều trở nên khéo léo trong việc làm đẹp cho dân bản địa bằng nghề sơn, dũa móng tay. Nghề " neo " quả là món quà Thượng Đế dành riêng cho dân Việt nên các con của anh cũng từ đó mà ăn nên làm ra và tự lập thân một cách mau chóng. Đôi lúc anh cảm thấy buồn vì hoàn cảnh của đất nước và của riêng mình. Những lúc khác thì anh cũng thấy thông cảm cho những bạn đồng cảnh nào " dịch " hai chữ H.O thành hai tiếng HỠI ÔI! Anh cũng chung hoàn cảnh như họ nên rất hiểu tâm trạng của họ. Nhưng hai tiếng " hỡi ôi " của anh còn bao hàm sự tưởng tiếc trong nỗi quặn lòng vì sự tàn vong của đất nước. Giờ đây, cho dù đã cơm no, áo ấm nơi xứ người anh vẫn không ngớt trải lòng với những đồng đội, chiến hữu và bạn bè xưa, nhứt là những người còn sống trong cảnh ngục tù bao la nơi quê nhà bằng những lần thư tín, bằng sự ủi an hay bằng những quà tặng nho nhỏ có tính cách tượng trưng cho một tấm lòng thành. Hai tiếng " hỡi ôi " chính là sự chia xẻ âm thầm của anh đối với họ: những người kém may mắn hơn anh về mọi mặt. Đó cũng là đồng vọng của tiếng thở dài trong lòng anh khi tự biết mình " lực bất tòng tâm " vì đã không làm được gì hơn cho những mảnh đời bất hạnh đó.

Anh chỉ có một trái tim để tận hiến cho quê hương, một tấm lòng để bày tỏ sự thủy chung với vợ và một tình yêu để chia xẻ đồng đều cho các con. Nợ tổ quốc chỉ trả được nửa vời nên ngày nay cho dù đôi tay đã bắt đầu rung vì cơn bệnh của người già, anh vẫn dành hết mọi sức lực còn lại để trọn nghĩa tình với chị. Từ khi bệnh tình của chị trở nên trầm trọng phải nhập viện cho tới lúc tai qua nạn khỏi, anh đều ở sát bên giường bệnh. Từ lúc chị phải vào khu điều dưỡng để được săn sóc một cách thích nghi hơn, thì anh cũng tự nguyện xin vào ở cùng với chị. May mắn cho anh chị là Garden Grove Convalescent Hospital có một khu vực dành cho người cao niên nhưng còn đủ khả năng tự săn sóc cho mình ( Board & Care ) nên anh đã nộp đơn xin và được chấp nhận vào ở trong đó. Cứ như là được ở trong một " Khách Sạn Hào Hoa " mặc dù anh đã phải hy sinh hết mọi tiện nghi hằng ngày như khi còn sống dưới mái ấm gia đình. Mặc dù chị được săn sóc kỹ lưỡng bởi những y tá và nhân viên điều dưỡng rất tận tâm và chuyên nghiệp, nhưng mỗi ngày ba bận, anh đều ở bên cạnh chị để chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ. Có lúc thương anh quá nên chị giả vờ như đã no bụng để bắt anh ăn những món ngon miệng mà anh cứ nhường cho chị, hoặc làm bộ ngủ để anh thôi bóp tay, xoa chân sau mỗi bữa cơm chiều. Nhưng hình ảnh của đôi chân miệt mài sáng chiều đạp xe để bươn chải mưu sinh bây giờ đã gần như bất khiển dụng khiến anh thêm thương yêu chị hơn bao giờ hết. Cho dù không ai nói ra nhưng trong lòng chị và đối với mọi người trong trung tâm điều dưỡng kiêm viện dưỡng lão Garden Grove, anh là biểu tượng của một người chồng chung thủy, là hình ảnh của một lão niên luôn tình nguyện phụ giúp bất cứ việc gì anh thấy mình có thể làm cho trung tâm, còn trong lòng của đồng đội và chiến hữu xưa, anh là một quyển tự điển sống, hiểu theo nghĩa của Quân Sử và trong quá trình phục vụ cho Quê Hương và Dân Tộc thì anh là một quân nhân gương mẫu, là chàng trai Võ Bị bất phùng thời tên ĐẶNG KIM THU.

HUY VĂN