NGÀY RA TRẠI

Vừa ra khỏi cổng là không ai hẹn ai, tất cả đều quay lại nhìn nơi mình vừa rời bỏ. Vài nụ cười kèm tiếng thở phào...nhẹ nhỏm! Không có lời xì xào hay câu trao đổi. Im lặng! Nhưng không phải là sự im lặng của lo lắng, sợ sệt, hay của lòng cam chịu như khi lần đầu bị lùa vào trại lao động khổ sai mang mỹ từ ..: cải tạo, mà là thứ im lặng để tận hưởng tự do, cho dù chỉ là thứ tự do tạm bợ vì trong tờ giấy phóng thích có ghi câu: " địa phương chịu trách nhiệm quản lý và giáo dục ".... Nhưng đó là chuyện của tương lai, còn hiện tại thì chúng tôi đã ở bên ngoài vòng rào của doanh trại có bộ đội ôm súng trên chòi gác. Toàn cảnh của Trại 4, Tổng Trại 1, thuộc Quân Khu 5, nằm im lìm tắm nắng. Một ngày tuyệt đẹp và cũng là một ngày hăm hở, nôn nao pha lẫn thoáng bùi ngùi của 100 tù tàn binh được nhà nước " khoan hồng " cho về đoàn tụ với gia đình. Cả năm gắn bó với nhau suốt từ các trại tù Hội An, Hòa Cầm rồi lên đến miền núi Hiệp Đức này đủ làm chúng tôi quyến luyến, nao nao, khi chia tay với bạn bè đồng cảnh. Mặc dù những gì cần nói đã nói hết từ hôm qua, nhưng giờ đây tôi lại có cảm giác mình chưa nói được tất cả những gì còn chất chứa trong lòng. Họ- những đồng cảnh còn phải trả nợ đời trong trại tù khổ sai- chắc chắn cũng bồi hồi và nôn nao không kém vì rốt cuộc cũng đã có tia hy vọng ở cuối đường hầm khi đã có người được thả về đoàn tụ với gia đình. Hy vọng lại bùng lên vì đây là đợt thứ nhì của tổng trại 1 sau lần thả tù đầu tiên vào dịp Tết, chỉ mới hơn một tháng trước mà thôi.

Từ khi bị lâm vào cảnh đọa đày, ai cũng mong có được như hôm nay, nhưng nguyên ngày hôm qua, tôi cứ mong thời gian trôi chậm lại để còn bịn rịn với anh em đựơc thêm chút nào, hay chút đó. Mới hôm nào mọi người lầm lũi lội sình, đội mưa, bước vào chốn đọa đày dưới họng súng gườm gườm của bộ đội chính quy lẫn đám dân quân địa phương. Mới hôm nào khu rừng và đồi núi chung quanh xã Bình Hòa, thuộc quận Hiệp Đức này còn dày đặc cỏ tranh, ngút ngàn cây lá, cùng với muỗi mòng, rắn rít và lũ vắt tanh tưởi lúc nhúc trên khắp lối đi, thế mà hôm nay: thứ bảy 20 -03- 1976, con đường trở ra quận lỵ Hiệp Đức đã quang đãng, khô ráo. Con người tới đâu, núi rừng lui tới đó. Vùng đồi núi hoang phế, loang lỡ chung quanh khu láng trại của tù tàn binh và doanh trại bộ đội bây giờ là những luống rau lang xanh thắm, hay những khoảng đất basalt mầu mỡ đã được khai quang, cào cuốc. Đây vốn là công sức lao động, là mồ hôi, máu, cũng như nước mắt của những kẻ sa cơ một hời mang màu áo lính cộng hòa của miền Nam tự do.

Giã từ đồng cảnh! Chia tay hôm nay mai này có thể sẽ không có cơ hội gặp lại nhau. Bất giác lòng tôi bồi hồi dấy lên một niềm thương cảm rất ,...nghẹn ngào. Dù sao thì nơi đây cũng đã từng chứng kiến những nhục nhằn mà tù tàn binh đã trải qua. Làm sao quên được những ngày phá rừng, cuốc rẫy dưới ánh nắng nung người hay cơn mưa tầm tã. Đói lạnh rung mà vẫn phải " lao động tốt " để khỏi nghe những lời xỉ vã của mấy tên bộ đội nhóc con kè kè súng chĩa ngang hông. Lệ thương thân, khóc đời cùng tận, hay mồ hôi pha hạt mưa nhòa mà mắt bỗng cay xè thả vị mặn xuống môi?! Là con người hay nô lệ?! Là ngoại chủng hay đồng bào mà những dằn vặt, dày xéo, tra tấn tinh thần lẫn thể xác cứ ngày đêm phủ chụp lên những tàn binh giờ đã thành tù lao động khổ sai?! " Nhà nước khoan hồng, nhân dân rộng lượng " mà sao rừng kế bên không cho mót củi, đốn cây mà lại bắt tù phải lội vào hang sâu, núi thẳm- nơi đã từng là bản doanh của sư đoàn 711 CSBV, bị xóa tên bởi Sư Đoàn 2BB và Biệt Động Quân mấy năm trước- để phá hầm, dở xà, nhổ cột, gỡ kèo rồi còng lưng vác về trại dựng nhà hay để dành chụm bếp?! Nếu đường đất lầy lội làm tù tàn binh té lên té xuống chưa đủ làm cho kẻ coi tù thích chí, hả hê, thì màn lên núi cột mấy thớt gỗ- rồi từng hai người một, kẻ đẩy, người kéo ngay từ thượng nguồn của giòng suối để chuyển về tận trại- đúng là một hình ảnh nô lệ bị ngược đãi như thời kim tự tháp Ai Cập 5000 năm về trước. Trời vào đông, nước lạnh bầm da, tái thịt mà tù tàn binh thì tất cả đều lưng trần, xà lỏn, chân không đạp đá sỏi mà đi còn đôi dép thì được xỏ dây cẩn thận, đeo trên vai để lội nước cho dễ. Nước uống thì đã có suối, còn hai nắm cơm mang theo chưa tới chỗ, đã không còn một hột. Hành trình bao xa không rõ, nhưng sáng tù tàn binh rời trại khi mặt trời tháng 12 chưa kịp ấm, chiều về đến nơi thì cũng vừa tắt nắng. Giao gỗ cho quản trại xong, là ai nấy đều lo xuống nhà bếp ngồi sưởi cho ấm rồi bỏ cả ăn để ngủ cho đã vì quá mệt sau một ngày làm bạn với...hà bá.

Nhắc đến cái ăn mới thấy thấm thía nỗi cơ cầu của người dân miền bắc lúc nạn đói Ất Dậu xảy ra. Tuy không đến đỗi chết người như vào thời đó, nhưng cái đói hành hạ tù tàn binh ngày nay còn tàn độc hơn cả roi đòn hay bất cứ hành vi thô bạo nào khác. Cơn đói làm cho người tù lả người vì kiệt lực, nhưng đồng thời nó cũng làm tinh thần suy sụp và lụn bại đến tận cùng bằng số. Mỗi ngày ăn 3 bữa. Mỗi bữa 1 chén cơm chan nước muối hoặc mắm cá lấy nguyên xi từ thùng thiếc chiết ra. Đói quá nên con gì nhúc nhích là tù chộp bắt để ăn. Rắn rít, cóc nhái, chuột núi là cao lương mỹ vị. Dế, thoạt đầu là mồi bắt chim khứu, sau trở thành nguồn đạm đỡ lòng. Vào rừng sâu rút mây, đốn gỗ mà gặp được tổ ong thì chẳng khác nào tìm được đống vàng. Nhấm nháp chúp mật trên miếng sáp cũng đủ " phê ", nói chi đến chuyện bỏ nguyên chú ong con vào miệng đễ thấy chất đạm pha với mật ngọt tuyệt vời đến mức khôn thể tả thành lời, nhứt là với những người tù già nua, ốm đói.
Họ, những kẻ say sưa trên ( cái là gọi là ) chiến thắng lịch sử cứ ngày đêm đòi dạy cho kẻ thất thế những bài học lịch sử và lao động. Nhưng lịch sử thì chỉ quanh quẩn ba mớ giáo điều hoặc tuyên truyền phóng đại, còn lao động thì chỉ sau vài tháng phá rừng, cuốc đất, đốn cây, thì trại tù trở thành một công viên với đủ loại hoa tìm được trong rừng mang về trồng trước " nhà " hay treo, máng bên trong. Trong cùng lúc đó thì lồng chim để nhốt khứu là loại " trang sức " mà hầu như từ nhà 1 đến 20, nhà nào cũng có một, hai lồng ngay trước cửa để nghe hót thật sướng tai. Dần dà cán bộ trại cũng lân la " xin " tù vài cái mang qua bên kia vòng rào để nghe chim hót cả ngày cho thỏa thính. Cũng vậy, điếu cày, loại làm bằng ống tre, vốn là vật bất ly thân của bộ đội miền bắc, đã trở thành sản phẩm thời thượng được cai tù và bộ đội đặt hàng dài dài cho tù tàn binh có việc để làm, vì điếu cày do tù bỏ công chăm chút " nổ " lớn hơn, trông kiểu cách hơn, thậm chí có người còn khắc, chạm những hình ảnh đẹp mắt khiến cho đám " nón cối " và quản giáo đặt hàng không ngớt. Ngay lúc đó " kẻ chiến thắng " đã mở mắt nhưng vẫn không muốn ( hay không dám ) nhìn nhận tù tàn binh miền Nam rõ ràng là hơn hẵn họ về mọi mặt!

Cũng may là rừng núi còn thương người khốn cùng nên đọt dương xỉ, lá tàu bay, lá giang và nhứt là rau má thì hầu như nơi nào cũng có. May mắn cho chúng tôi là vì muốn hành xác những người từng là kẻ thù của mình nên chúng cứ bắt chúng tôi hết leo núi, lên rừng rút mây hay gánh gạo, gánh gỗ tận trong vùng Phước Sơn hẻo lánh nên mọi người mới có dịp " cải thiện ". Hễ thấy bụi rau má ven đường là bất kể lời hối thúc, hăm dọa hay nạt nộ của cảnh vệ, mọi người bỏ gánh để nhào ngay xuống quơ, bứt cho đã tay rồi mới tiếp tục lên đường. Những luống rau lang trồng ngay bên ngoài khu trại cũng được chiếu cố rất tận tình, lén lút hoặc công khai ( nhờ toán lao động nhẹ, ngắt đọt mang về chia nhau ăn ) kể cả khoai mì và cà chua trồng ngay sau "nhà" cũng không kịp ra củ hay trái để giúp tù tàn binh có thêm chất rau tươi qua ngày. Cứ vậy mà nén lòng cam phận để chấp nhận hoàn cảnh và chịu đựng khổ hình để gượng sống và hy vọng vào một ngày...như hôm nay!

Mãi mê đắm mình trong suy tưởng mà chúng tôi đã ra tới bến xe quận Hiệp Đức lúc nào không biết. Nói là bến cho thuận miệng chứ thật ra đó chỉ là một bãi đậu trơ màu đất đỏ với duy nhứt hai gian nhà: căn có nóc là nơi bán vé, còn gian nhà kế bên là khu chờ đợi với lưa thưa vài băng ghế đóng tạm rất sơ sài. Chỉ không đầy nửa giờ là ba chiếc xe đò Renault của thời Pháp - loại xe chạy liên tỉnh thường được gọi là xe đò lỡ ( camionette ), phía sau có một tấm bửng để thêm người đeo, vịn- rề rà tách bến để đưa đợt tù sau cùng ra khỏi quận. Xe cỗ lỗ xỉ, người đông, chật chội đến ngộp thở nên một số trong chúng tôi leo lên mui ngồi cho thoáng mát. Lại thêm một thoáng bùi ngùi khi nhìn lại phía sau lưng với chập chùng nhấp nhô của màu xanh rừng núi. Hôm " nhập trại " trời mưa trút nước, xe chở tù đóng bạt kín mít và cai tù thì lăm lăm khẩu AK trên tay sẵn sàng nhả đạn. Hôm nay thì trời mây quang đảng như muốn đón mừng những người vừa hưởng chút không khí " tự do ", một thứ tự do tạm bợ bởi thân phận đích thực chỉ là một phó thường dân không hơn, không kém.

Tỉnh lộ nối các quận miền núi: Quế Sơn, Hiệp Đức với đồng bằng và vùng biển phía đông đã hoang phế từ lâu nên lồi lõm đất đá và loang lỡ hết mức. Xe chạy như rùa bò, dằn xóc liên tục nhưng hình như không ai sốt ruột. Chúng tôi im lặng nhìn quanh như muốn thu hết cảnh vật sau những tháng ngày chỉ biết có núi và rừng. Thỉnh thoảng chỉ có vài câu trao đổi bâng quơ cho có chuyện để nói. Hầu như ai cũng mang một vẻ đăm chiêu, tư lự rất xa xăm. Có lẽ ai cũng chung một tâm sự như nhau: niềm vui sắp được sum họp với gia đình đang dần dà nhường chỗ cho nỗi lo lắng về một tương lai nhiều bóng tối hơn ánh sáng khi biết rằng mình vừa ra khỏi nhà tù nhỏ để bước vào loại một loại tù ngục bao la hơn và u tối hơn nhiều. Thì thôi cũng đành! Cuộc đời đã bị đóng khung từ khi nước mất, nhà tan nên làm gì cũng phải ngậm hờn qua ải. Đã qua được thử thách ban đầu thì từ hôm nay trở đi cuộc sống có cơ cầu cách mấy thì cũng còn có gia đình để nương tựa, có bè bạn và đồng cảnh để ủi an và biết đâu ..." không lẽ ta cứ mãi thế này?! "

Rồi cũng ra đến ngã ba Thăng Bình! Quận miền biển nhưng sinh hoạt thị tứ thì lại nằm ngay trên quốc lộ 1. Thăng Bình, quận cực bắc của Quảng Tín ngày xưa vốn nhộn nhịp, sầm uất, nay cũng còn nét rộn ràng của một khu kinh tế hàng đầu của vùng Quảng Nam mặc dù hoạt cảnh có phần thu gọn vào trong các hàng quán dành cho bộ hành và xe cộ trên các hành trình xuôi nam, ngược bắc. Xe chưa kịp vào bến là chúng tôi đã lũ lượt leo xuống để rảo chân đến các quán cơm bình dân ngay ngoài quốc lộ. Bữa cơm đích thực đầu tiên sau một năm cuốc rẫy, phá rừng sao mà ngon hết biết! Ly cà phê và điếu thuốc có đầu lọc hiệu President " phê " không kém gì " tép " thuốc lào đầu tiên trong đời. Hình như không hẹn mà nên, ai cũng muốn tận hưởng chút hạnh phút đơn giản mà nồng nàn này đến mức tối đa. Đến bây giờ mới có tiếng rì rào bên câu chuyện trao đổi về việc ai vào nam, ai ra bắc. Hiếm hoi lắm mới có người trong nam kẹt lại như Trần Ngọc Dũng và tôi, nên đa số đều hẹn gặp tại Đà Nẵng, hay trong Tam Kỳ hoặc Quảng Ngãi. Trong bốn người gắn bó với nhau suốt từ khi có tin được phóng thích thì anh bạn " Trâu Điên " Trần Ngọc Dũng nhứt định: " Càng về gần Sài Gòn bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu ! " nên sau bữa ăn là Dũng hăm hở bắt tay từ giã chúng tôi rồi vọt nhanh ra ngã ba để bắt kịp một chiếc xe đò về Bình Định vửa thả người và lấy khách dọc đường.

Chia tay với Dũng mà trong lòng cũng thấy buồn buồn. Lẽ ra hai đứa nên đi chung với nhau về Sàigòn cho có bạn, nhưng dù sao thì tôi cũng đã gắn bó với đơn vị tại hậu cứ ở Phú Lộc, Hòa Khánh trong những lúc dưỡng quân, cũng như bao lần ngược xuôi phố phường Đà Nẵng hơn 15 tháng, nên vẫn còn những lưu luyến thật sâu lắng trong lòng. Tình cảm cả ngày hôm nay thật khó diễn đạt cho đúng với tâm trạng còn nhiều bỡ ngỡ. Nhưng Sài Gòn thì trước sau gì cũng sẽ là chốn nương thân dài hạn, còn Đà Nẵng thì chỉ cách vài chục cây số! Không trở lại thăm chốn xưa thì mai này biết bao giờ mới có dịp nhìn lại khung trời kỷ niệm... và để nhớ một thời giày saut, áo trận?! Vì lẽ đó nên tôi quyết định cùng với hai anh em Nguyễn Văn Bốn và Nguyễn Văn Tài đón xe ngược bắc. Đêm nay có thể là đêm cuối dành cho sông Hàn, Hùng Vương, Độc Lập, Chợ Cồn.... Sẽ là đêm thức trắng để gom hết hình ảnh của phố xá và con người để mai này trở thành khúc phim chiếu chậm của ký ức. Đà Nẵng ơi! Ta lại về đây! Phố phường ơi! Hãy cùng bước chân lãng tử nối lại quá khứ vàng son của thời giày trận, áo hoa để mãi mãi Đà Nẵng sẽ là tiếng đồng vọng dễ thương và ấm lòng cho dù ở bất cứ phương trời nào!

HUY VĂN