Thơ

Trang thơ Nguyễn Minh Châu
Thơ - Tuấn TT
Chùm thơ Đông Hương
Thơ - Huy Văn


Thơ Văn 2019
Thơ Văn 2018
Thơ 2017....


Kiếp tử sinh
Niềm riêng đêm thánh
Nỗi đau thẩm
T́nh tôi lăng mạn....
Khi tôi chết
Khấn nguyện - Diễn ngâm
Chim kêu...
Nỗi niềm gửi gió…
Nhạc Thơ Rượu đắng - Nhạc
Nhạc Thơ Mày hỏi tao
Nhạc Thơ Tấm thẻ bài
Tàn thu
Em cao nguyên
Thu từ phương ấy thu sang
Kỷ nhân hồi
Tâm khúc...
Nh́n Thu
Hoài Thu
Tịch liêu
T́nh gửi từ trên đôi cánh sắt
Trầm tích
Dựng cờ
Ngồi giữa Eden nhớ Saigon
Nhớ quá
T́m nhau
Một khúc hoài
Muộn màng
Bước lưu vong
Tháng 7
Nh́n biển nhớ người
Tri ân TQLC
Father's Day - Ngày Quân Lực
Chuyện một đời người
Rượu đầy làm sao cạn
Tháng Tư đen giữa mùa đại dịch
Bốn lăm năm
Mùa gió chướng
Đêm trăn trở
Bó tay!
Rượu tháng Ba
Vô thường bóng em
Đón xuân
Niềm đau mùa Xuân
Hoa Đào lại nở
Nói đi em
Đêm Giáng Sinh xưa
Đông kỷ niệm
Thở dài…
Nhớ em
Nhớ người cũ…
Mưa và… quá khứ
Cám ơn
Gió ơi…
Kiếp nhân sinh
Lạnh vào Thu
Đêm Thu
Vào Thu
Hồng Quế
Gửi gió
Mùa trăng...
Tháng tám mưa rơi
Rồi sẽ đến
Ḍng đời lặng lẽ
T́m chốn dung thân
Ḷng vẫn xuân xanh
Ai về chốn cũ
Phiền muộn
Đường về
Ước gì
Nhớ áo xưa
Hạ vàng trong kỷ niệm
Ḍng phù sa xanh
Nhớ về Thành Cổ
Father’s Day - Ngày Quân Lực
Lá rơi…
Hư vô...
Tiềm thức
C̣n bao lâu nữa
Giỗ bạn…
Mùa xuân vô tận
Gịng thủy tinh
Về đây Anh… Về bên nhau…
Đợi chờ
Than thân
Tổ Quốc ghi ơn
Dối ḷng
Người di tản buồn
Nghĩa trang Quân Đội Biên Hoà
Mong một ngày về...
Bước chân người lính
Nỗi buồn… biển
Một thoáng… tháng Tư
Máu Cọp Biển và tháng Tư
Gịng thủy tinh
Đốt nén nhang… Tháng Ba…
Mưa nửa đêm
Nhớ tháng Ba xưa
Nhớ ngoại
Thời gian...bể dâu
Tóc mây
Vô đề…“Túy Ngọa”
Lửa Việt
Khúc nhạc xa xưa
Mùa xuân cho người ở lại
Xuân giữa trời đông
Khi muà xuân đến
Bóng xuân
Gịng sông nắng
Chiều tháng chạp
Chiếc mũ xanh
Lời cho hải đảo
Niềm đau của Mẹ
Hoa đào đất khách
Hoài niệm xuân
Vọng xuân xưa
Hẹn một mùa xuân
Đừng do dự
Một ṿng quay

 

 

 

 

 

 


THU HÁT CHO NGƯỜI

MX Lâm Thế Truyền

Lời nói đầu:

Vào khoảng cuối tháng 6/2019, tôi đọc được một bài viết trên diễn đàn TQLC. Tác giả viết về một người chú, là một sĩ quan đã từng phục vụ ở TĐ2 (Trâu Điên) SĐ/TQLC. Trong bài, người viết có gửi một lời nhắn:

-“Xin cho con gởi một bài viết về một người chú TQLC. Mong có ai biết ít nhiều về người chú của con, xin cho biết thêm về chú Nguyễn Văn Nhân".

Tôi-Lâm Thế Truyền, đă liên lạc với cháu của Nhân. Sau đây là bài viết về Nhân, một đồng đội TQLC đă tử trận./.
****
Cái giá đắt nhất phải trả từ chiến tranh là máu xương, là thân xác của những người lính. Chiến trường nào mà không có cảnh “sinh ly tử biệt”. Là lính trận thì ai cũng phải hơn một lần chứng kiến hình ảnh đồng đội mình gục ngã trước mặt hay bên cạnh mình. Tình huynh đệ chi binh là tình cao quí thiêng liêng nhất nằm sâu trong lòng của mỗi người lính. Ai mà có thể quên được!

Trong tinh thần đó, tôi xin viết về một người mang tên: NHÂN. Cố Trung Uý Nguyễn Văn Nhân, nguyên là một sĩ quan có chức vụ: ĐĐP/ ĐĐ2/ TĐ2/ TQLC/ VNCH.

Hy vọng bài viết này, sẽ đáp ứng được phần nào ý nguyện của những người thân trong gia đình. Và cũng xin xem đây như là một nén hương trong lòng tôi, được cùng thắp lên để tưởng nhớ đến một người chiến hữu đã hy sinh.
***
Trung tuần của tháng 11/1969, tôi được lệnh thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 2. Sau khi trình diện Th/Tá Nguyễn Xuân Phúc là TĐT/TĐ2, tôi được lệnh về ĐĐ1 do Tr/Uý Lâm Tài Thạnh làm ĐĐT và được chỉ định giữ chức vụ: TrĐT/TrĐ18. Thành phần sĩ quan chỉ huy của ĐĐ1/TĐ2 thời gian này gồm có:

- Tr/Uý Lâm Tài Thạnh ĐĐT
- Th/Uý Nghĩa  ĐĐP
- Ch/Uý Công TrĐT/ TrĐ12
- Th/Uý Sơn TrĐT/TrĐ14
- Ch/Uý Nhân TrĐT/TrĐ16
- Ch/Uý Truyền TrĐT/TrĐ 18.

Sáng ngày hôm sau là buổi họp đầu tiên của tôi ở Đại Đội 1. Khi vừa tan họp, người ngồi sát bên cạnh quay sang nói với tôi:

-Tên tôi là Nhân, ông ra trường khóa mấy?

Tôi trả lời:

-Tôi khóa 2/69 Thủ Đức.

-Tôi khóa 9/68.

-Vậy khóa của anh làm huynh trưởng khóa tụi tôi. Mấy anh “huấn nhục” tụi tôi kỹ quá!

Nhân lắc nhẹ cái đầu, đính chính:

-Tôi không được chọn làm huynh trưởng.

Tôi nhìn kỹ Nhân hơn. Anh có dáng người dong dỏng cao với làn da hơi sạm nắng, nụ cười hiền như để giảm bớt cái vẻ nghiêm nghị trên nét mặt.

Sau cuộc hành quân đầu tiên của tôi ở TĐ2, đơn vị được về nghỉ dưỡng quân tại hậu cứ đóng ở Tam Hà-Thủ Đức. Nhân dịp này, đơn vị có tổ chức một buổi tiệc khao quân, tôi có quen với một ban nhạc sống nên nhờ họ góp vui phần văn nghệ. Qua ngày hôm sau, khi tập họp, điểm danh và phân công xong, Nhân đến hỏi nhỏ tôi:

- Ông ăn sáng chưa?

Có người hỏi đúng ý, tôi trả lời ngay:

- Anh hỏi đúng người rồi.

Chúng tôi tới tiệm phở của ông bà già Bắc Kỳ ở dưới chân cầu gần chợ Thủ Đức (Bây giờ nhắc lại, tôi vẫn còn nhớ cái hương vị độc đáo của tô phở chính gốc Bắc bốc khói). Trong khi ăn, Nhân hỏi tôi:

- Cô bé tên Thu trong ban nhạc hôm qua trông dễ thương quá!

Tôi nhìn mặt Nhân như dò xét:

- Anh muốn nói đến cô bé dáng người thon nhỏ, mỗi khi cười có cái núm đồng tiền phải không ?

Như đúng ý, Nhân thích thú gật đầu. Tôi thật sự vốn không hề biết một tí gì về “con đường tình của Nhân”, nhưng tôi cũng nhanh miệng hứa:

- Nếu muốn làm quen, để tôi xin địa chỉ cho.

Tôi giữ đúng lời hứa, vài ngày sau đưa cho Nhân địa chỉ của Thu và kèm theo một lời nhắn:

- “Con gái” nhà người ta còn đang đi học đấy!

Sau này, mỗi khi có dịp nói chuyện, thỉnh thoảng Nhân cũng có nhắc đến Thu, được biết hai người vẫn thường thư từ qua lại với nhau.

Vào tháng 5/1970, TĐ2 tăng phái cho Biệt Khu 44, hành quân ở một vùng có sông nước chằng chịt, đó là mật khu Năm Căn thuộc quận Cái Nước, tỉnh Cà Mâu. Nhưng chỉ được vài tuần lễ, thì lại nhận được lệnh chuyển vùng hành quân. Đơn vị được đoàn quân xa chở đến tỉnh Châu Đốc. Sau đó, chúng tôi xuống tầu Hải Quân, tầu theo con sông (?) qua biên giới để tới một bến phà thuộc thị trấn Neak Luong.

Tiểu Đoàn 2 tham dự cuộc hành quân mang tên: Cửu Long 1/ Sóng Thần 5/1970 nằm trên đất nước Cam-Bốt.

Đoàn tầu rẽ nước trôi nhanh trên mặt nước, con sông chạy dài nối liền hai nước Việt Cam Bốt. Đất nước bạn, đất rộng người thưa, ruộng cò bay thẳng cánh, trù phú với nhiều danh lam thắng cảnh đền đài nổi tiếng trên thế giới. Một xứ sở có nhiều ngôi chùa, nơi đâu cũng thấy bóng dáng các sư sãi khoác áo vàng đi khất thực trên khắp nẻo đường. Những hàng cây thốt nốt như một nét đặc trưng của đất nước này, thoạt nhìn giống như cây dừa, cây cau ở nước mình. Bóng dáng các xóm làng, cũng có hàng tre cây xanh bao quanh. Đã từ lâu, người dân xứ sở này được sống trong thanh bình, ấm no.

Nhưng nay, hiểm họa của chiến tranh đang từng ngày lan rộng đến mọi nơi. Đứng trên boong tầu, chúng tôi thỉnh thoảng nhìn thấy có xác người trôi lềnh bềnh theo dòng nước chảy. Tin tức cho biết, quốc gia Cam-Bốt do chính phủ Lon-Nol nắm quyền cai trị, đang ra tay thực hiện một cuộc thảm sát dã man, gọi là “ cáp duồn”. Nhằm vào những người dân Việt Nam đang sống trên đất nước họ.

Sau hơn một ngày đêm, tầu cập bến phà Neak-Luong. Vừa mới đặt chân lên bờ, các đại đội còn đang tìm nơi tạm bố trí, thì nhận được lệnh chuẩn bị ra bãi đáp, để trực thăng vận đưa vào vùng hành quân gấp.

Tiểu Đoàn 2 cùng với các tiểu đoàn khác, sẽ được đổ quân xuống để giải tỏa thành phố Prey-veng. Hiện quân lính Bắc Việt đã chiếm đóng và uy hiếp một phần thành phố. Quân đội Cam Bốt đang cố thủ để chờ tiếp viện.

Cánh quân đầu tiên là hai Đại Đội 1 và Đại Đội 5 do Đại/Uý Trần Văn Hợp là TĐP/TĐ2 chỉ huy, sẽ được trực thăng đổ xuống một cánh đồng trống, cách dinh tỉnh trưởng khoảng chừng 2km.

Bọn VC đánh hơi nhanh như ruồi, ngay vừa khi chúng tôi ra khỏi trực thăng, chúng đã rót vào bãi đáp những quả đại pháo, khiến cho một số người bị thương.

Các phi công trực thăng cũng phải gồng mình trước những lằn đạn của súng phòng không và thượng liên tua tủa bao quanh. Chiếc trực thăng chở Tây Đô và BCH/ĐĐ1, chao đảo vì viên phi công trưởng bị trúng đạn, nhưng sĩ quan phi công phụ đã cứu thoát được mọi người trong đường tơ kẽ tóc.

Theo kế hoạch, Tiểu Đoàn 2 sẽ tiến đánh vào thành phố ở hai mặt Đông và Bắc.

Đại Đội 1 đánh vào mặt Bắc, Tây Đô điều động hai TrĐ12 và 16, làm mũi dùi xuất phát. Vừa mới di chuyển được vài chục mét, thình lình trên mặt đất nhô lên những họng súng, thi nhau nhả đạn vào chúng tôi. Bọn VC sử dụng chiến thuật “độn thổ”.

Gặp phải tình huống bất ngờ, Tây Đô lập tức ra lệnh cho hai TrĐ12 và TrĐ16 mở rộng đội hình thành hàng ngang, bám chặt địa thế, rồi nhanh chóng tìm cách thanh toán từng hố một. Gặp phải địa thế trống trải như những cánh đồng ruộng, khi chạm súng tìm được chỗ núp, quả thật chẳng dễ chút nào. Bí quá, có anh vất đại cái ba-lô xuống để làm bia chắn đạn.

Trận chiến kéo dài đến chập choạng tối, những ổ kháng cự vẫn cứ là những chốt chặn khó thanh toán trên đường tiến quân. Thành phố Prey-Veng vẫn còn xa tít mù. Các đơn vị được lệnh tạm đóng quân qua đêm, điểm đóng quân không còn nơi nào khác hơn là nằm tại chỗ. Giữa cánh đồng hoang, giờ này mới chập choạng tối mà sương mù đã nhanh chóng làm mờ tối cảnh vật.

Vị trí đóng quân trong đêm nay, không cho bất cứ ai được căng lều. Tôi nằm ngước mắt nhìn lên bầu trời mờ đục, thầm ước mình có được một giấc ngủ an bình trong đêm. Những người nằm chung quanh đang say sưa ngủ trên tấm poncho, gần bên hố cá nhân, cạnh là túi balô, cây súng M.16 với cái nón sắt. Có người ngủ ngáy to, đều đặn nghe như tiếng kêu của những anh thợ cưa đang xẻ khúc cây lớn. Chúng tôi đời lính trận, chỗ ngủ thường khi là như thế, “bạ đâu là nhà, ngả đâu là giường”!

Địch vẫn đều đặn pháo kích vào quanh khu vực đóng quân.

Mọi người được đánh thức rất sớm, để chuẩn bị xuất quân. Lệnh hành quân phổ biến:

-Sau khi pháo binh bắn phá vào một số khu vực tình nghi có địch, trực thăng vũ trang sẽ oanh kích vào những trọng điểm quanh thành phố, đồng thời cũng yểm trợ cho các đơn vị khi có yêu cầu. Cánh B/TĐ2 gồm có hai Đại Đội 1 và 5 sẽ dàn đội hình hàng ngang tiến đánh vào mặt Bắc của thành phố.

Đội hình giống như một con trăn có thân hình khổng lồ đang trườn đi, trong cánh đồng còn mờ sương. Quan sát phía trước đoạn đường sắp phải đi qua, tôi nghĩ thầm: “Thanh toán được hết những chốt địch nằm trên đoạn đường này, thật là khó!” Ai cũng biết phải rất thận trọng từng bước đi. Di chuyển được vài mét, vài chục mét... rồi trăm mét, vẫn im tiếng súng. Mọi người cảm thấy nhẹ nhõm. Phía địch đã thay đổi chiến thuật, chúng tăng cường độ pháo kích để hòng cản được sức tiến công của quân ta. Vào giữa trưa thành phố đã ở trong tầm mắt.

Thành phố Prey-Veng nằm trên một vị trí cao hơn hẳn với địa thế bao quanh. Muốn vào bên trong thì phải vượt qua được bờ tường thành có độ dốc thoai thoải, với độ cao ước chừng hơn ba chục mét. Từ xa cũng nhìn thấy được hàng cây cao to lớn xanh rậm lá, được trồng cách đều nhau dọc theo hai bên đường, phía sau là bóng dáng của những căn biệt thự kiểu dáng theo kiến trúc của Pháp quốc, hướng mặt ra con đường rợp đầy bóng mát.

Khi chúng tôi chỉ còn cách chân bờ thành khoảng gần 100 mét, thì chạm phải hỏa lực rất mạnh. Quân địch lợi dụng những cây lớn, cho một số tay súng núp trên những cành cây để bắn xuống, vô tình chúng tôi trở thành những tấm bia di động. Lệnh cho chúng tôi lùi lại phía sau một khoảng cách an toàn, để cho hai chiếc trực thăng vũ trang bắn phá. Hàng loạt rồi hàng loạt những tràng rocket được phóng thẳng, nổ tung xé nát các lùm cây rậm lá.

Ngay khi vừa dứt đợt không kích, không để cho địch trở tay kịp, các đơn vị nhất loạt cùng xông lên một lượt. Hàng trăm đôi chân của đàn “Trâu điên” hừng hực khí thế, cuồn cuộn như sóng biển, tràn qua khỏi bờ tường thành. Địch quân hốt hoảng vội vàng bỏ chạy.

Dưới bóng chiều tà, vừa qua đúng hai ngày và một đêm, những người lính Trâu Điên TQLC/VN đã “đội pháo mà đi trong lưới đạn”, mới đuổi được những thằng VC cuối cùng ra khỏi thành phố Prey- Veng.

Sau khi lục soát, ta tịch thu được rất nhiều vũ khí và lương thực của địch. Bắt sống nhiều tù binh, trong số đó có cả những người mang thương tích nặng, bị địch bỏ lại (người viết chỉ biết được như thế thôi). Riêng Đại Đội 1 có: Ch/Uý Công TrĐT/12 và người hiệu thính viên bị thương nặng cùng với vài người khác bị thương nhẹ, rất may không có ai bị tử thương. Tôi được lệnh lên thay Ch/Uý Công làm TrĐT/TrĐ12.

Đã qua mấy ngày thành phố im tiếng súng nhưng vẫn vắng bóng người trở về nhà, nhà nhà đóng cửa im lìm. Trên đường chỉ thấy bóng dáng của những thanh niên, đàn ông trên tay cầm đủ loại kiểu súng di chuyển qua lại, quần áo họ mặc trên người không đồng nhất, hình như ai có gì thì mặc cái đó, có người mặc cả nguyên bộ pyjama tay cầm súng đi trong đoàn quân. Các xe chuyển quân thì đủ loại đủ kiểu, có cả xe du lịch Mercesdes mầu đen còn bóng loáng, chở mấy người ngồi trong tay đưa súng ra ngoài, trông rất khí phách? Tôi tự hỏi: “Không biết đây có phải là một quân đội không?” Lại còn có mấy anh thanh niên đến gạ hỏi lính nhà ta: “Anh có bán lựu đạn, nón sắt và áo giáp không?

Trong thời gian trấn giữ thành phố, Tiểu Đoàn2/TQLC thiết lập một phòng tuyến dọc theo trục Nam Bắc, lấy trục lộ giao thông chính vào thành phố làm tâm điểm. Đại Đội 1 phòng thủ bên trái, Đại Đội 4 phòng thủ bên phải, tiếp giáp là ĐĐ2 và 5, BCH/TĐ và ĐĐ/CH đóng dài theo hai dãy phố chính.

Gần một tuần sau, mới thấy có người dân trên đường trở về nhà, có cả người Việt Nam và Trung Hoa, họ là cư dân đã sống lâu đời ở Campuchia.

Chưa đầy ba tuần sau ngày tái chiếm lại thành phố, Ban 2 Tiểu đoàn đã ghi nhận và phối kiểm được những nguồn tin của người dân cho biết: Cách đây khoảng 20 cây số về hướng Đông Bắc đang có một lực lượng đông quân VC và Khờ-me đỏ tập trung ở đó.

Lập tức các tiểu đoàn được đặt trong tình trạng báo động.

Đêm nay mưa rơi nhẹ hạt, bầu trời tối đen như mực, quanh khu vực đóng quân của chúng tôi là những căn nhà sàn cũ nằm cách nhau thưa thớt, khu vực chưa có điện nên chìm trong bóng đen âm u. Quanh đây loài ếch nhái, nhất là con ễnh ương sống ở những ao đìa sát ngay bên nhà, gặp mưa chúng thi nhau kêu lên như tiếng của những khúc ngân ai oán, u uất nghe thật não ruột, khi nhìn ra bóng đêm, tôi rợn người đến nổi da gà, vì tôi sẵn có tính sợ ma? Phải chăng cái đáng sợ nhất trong chiến tranh vẫn là bóng tối!

Đột nhiên, có một ngọn lửa phựt lên mỗi lúc một cao, ở ngay trước mặt phòng tuyến của TĐ/16 làm tiền đồn. Tiếng kêu la thất thanh, hốt hoảng của người dân.

Tôi bật dậy ra khỏi võng, thì nghe có tiếng gọi gấp rút của Nhân trong máy:

- Tây Đô, đây Tây Sơn gọi, có căn nhà gần chỗ tôi phát hỏa, tôi cho anh em tiếp cứu được không?

Tiếng Tây Đô không do dự, trả lời ngay:

- Bây giờ đang nửa đêm, không thể rời khỏi vị trí, báo động cho anh em đề phòng.

Và chỉ ít phút sau, sự cảnh giác và phán đoán của Tây Đô quả là chính xác. Ý đồ của bọn VC là phóng hỏa đốt nhà dân, để làm tín hiệu mở màn cho trận đánh. Ngay từ giây phút đầu tiên hàng loạt tiếng súng vang rền dữ dội, cùng với tiếng hô vang “xung phong” đầy khí thế của bọn VC, đánh đòn bất ngờ vào các phòng tuyến của quân ta. Giữa đêm khuya, xóm làng đột nhiên nhanh chóng trở thành một bãi chiến trường ác liệt.

Tiếng gọi gấp rút của Nhân có vẻ nguy kịch:

- Báo cáo thẩm quyền, tiểu đội đóng bên kia đường bị thủng, đang chạy qua bên tôi...

Chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, tình huống đột biến trở lên phức tạp cho TrĐ16 do Nhân chỉ huy.

Phòng tuyến tiền đồn do TrĐ16 trấn giữ, được bố trí theo hình vòng bán cung, từ trái qua phải ngang qua con đường lộ đi vào bên trong thành phố Prey-Veng.

Nhân đặt BCH/ Trung Đội ở căn nhà duy nhất có ba tầng lầu, nó là một cửa tiệm lớn bán đồ gia dụng, nối tiếp với những cửa tiệm khác dọc theo hai bên đường. Ngay sau dãy nhà này là những căn nhà sàn, được làm bằng vật liệu gỗ, lá cất lộn xộn. Kiểu nhà sàn ở đây, có phía dưới trống dùng như một cái kho để chứa đủ mọi thứ đồ, tất cả sinh hoạt kể cả bếp cũng nằm ở phía trên. Địch đã lợi dụng phía dưới như là một nơi trú ẩn khi xung trận.

Khởi đầu của trận đánh, TrĐ16 là cái mục tiêu mà bọn VC cần phải triệt cho bằng được, vì đó là trung đội làm tiền đồn của Đại Đội 1. Trong máy, giọng nói của Tây Đô thật cương quyết và chắc nịch:

- Tây Sơn đây Tây Đô, đây là lệnh: Bằng mọi giá anh phải cố thủ và chờ lệnh, nghe rõ trả lời?

Chỉ một lúc sau, ba trung đội phòng thủ ngoài tuyến đại đội, cũng bị địch tấn công, với những đợt xung phong liên tiếp. Mặc dù toàn bộ đang phải đương đầu với sức tấn công rất mạnh của địch, nhưng tôi đoán cái quan tâm nhất của Tây Đô vẫn là TrĐ16, đang ở trong vòng vây của bọn VC. Trong tình thế này, không thể lấy bớt quân ở bất cứ trung đội nào, để tiếp viện cho TrĐ16.

Tây Đô không dấu được mối lo, thỉnh thoảng gọi máy hỏi:

-Trung Đội còn có thể giữ vững vị trí được không?

Những báo cáo từ TrĐ16 vẫn không có gì thay đổi:

- Báo cáo thẩm quyền có thể được.

Ngay từ khi khởi đầu trận chiến, các pháo đội pháo binh, đã tích cực yểm trợ theo yêu cầu của những đơn vị đang lâm chiến. Trái chiếu sáng trên bầu trời liên tục thay phiên thắp sáng khu vực, nhờ đó mà chúng tôi thấy được những cái bóng của địch quân khi di chuyển. Với chiến thuật đánh biển người, địch hy vọng sẽ đánh thủng được các phòng tuyến của đơn vị TQLC trong đêm, trước khi trời sáng.

Nhưng thời gian đã không đồng tình với bọn chúng, ý đồ của chúng đã bị đập tan và không còn hy vọng gì nữa. Bọn chúng đành phải rút lui, bỏ lại cả những người bị thương một cách không thương tiếc. Bóng đêm tan dần, sương mai nồng nặc mùi thuốc súng.

Trên đường chúng rút lui, lại bị phi cơ thám thính phát hiện, chỉ điểm cho các pháo đội tác xạ vào khu vực chúng đang chạy trốn, bỏ lại xác đồng chí. Sau này, dân ở quanh khu vực thấy tội nghiệp nên đem những các xác chết này chôn.

Đến chiều hôm đó, gặp nhau tại BCH/ĐĐ, ai cũng muốn hỏi Nhân câu: “Làm sao mà TrĐ/16 lại có thể đứng vững trước sức tấn công của địch như vậy?
Câu chuyện được Nhân vui vẻ kể lại:

-Khi nhận được lệnh của Tây Đô là khoan "ra tay nghĩa hiệp", lúc đó mọi người còn đang mải theo dõi đám cháy, bỗng nghe những tiếng súng nổ dồn dập. Tiểu đội bên phải không kịp chạy ra hố chiến đấu, vì thấy tụi VC đang ồ ạt chạy đến, mọi người chỉ kịp lấy súng đạn rồi chạy băng qua đường, đến căn nhà lầu có BCH/TrĐ. Lúc đó Nhân đang điều động hai tiểu đội, Nhân liền cho tiểu đội vừa mới chạy qua, một nửa lên bố trí ở lầu cao nhất, đồng thời một nửa tiểu đội có cây đại liên ở lầu 2, còn lại bao nhiêu thì tăng cường cho tiểu đội ở vị trí bên ngoài căn nhà lầu.

Bóng đêm tối thui, nhưng nhờ ánh lửa từ căn nhà đang cháy, mọi người cũng quan sát được phần nào chung quanh vị trí. Nhân đứng trên lầu thấy bọn VC đang xông tới rất đông, với kinh nghiệm chiến trường, nên nghĩ ngay đến những trái lựu đạn, nó có sức công phá mạnh với tầm sát hại rộng, hơn là sử dụng súng M.16. Nhân ra lệnh cho tất cả sử dụng lựu đạn để ngăn sức tấn công biển người của chúng. Có được mấy thùng lựu đạn dự phòng, lính nhà ta cứ bình tĩnh ném từng trái vào bọn chúng, thỉnh thoảng sử dụng thêm khẩu đại liên M.60. Cứ thế đến nỗi chúng không còn dám đến gần, lâu lâu chỉ thục mấy trái B.40 cho bớt tức. Vô tình chúng bỏ mặc cái tiền đồn, để vòng qua đánh vào tuyến sau . Chúng tôi lâm vào thế “bốn bề thọ địch “ mà vẫn sống nhăn.”

Nhân gật gật cái đầu như đắc chí, nói thêm:” Cám ơn người chủ nhà đã xây căn nhà kiên cố như một pháo đài.

Qua trận đánh này, trong TrĐ16 cũng đã phát hiện ra một nhân tài. Đó là Binh Nhì Lê Văn Tươi, anh đã ném những trái lựu đạn rất xa mà lại rất chính xác, như những tay súng thiện xạ bắn đâu trúng đó. Anh em trong tiểu đội vừa ngạc nhiên lại vừa ngưỡng phục đến mức độ cứ nhìn anh ném, mà quên mình đang phải làm gì.

Nhân đã được khá nhiều huy chương trong những lần tham chiến vừa qua. Nhân cũng được đánh giá là một sĩ quan ưu tú có nhiều năng lực chỉ huy.

Sau đó ít ngày, tôi bị thương vào cánh tay và lưng do bị trúng đạn pháo kích của địch. Tôi được đưa về điều trị ở quân y viện Phan Thanh Giản - Cần Thơ. Khi vết thương sắp lành, tôi được nghỉ phép ít ngày để về dưỡng thương tại gia đình, rồi trở lại đơn vị.

Dịp này, tôi ghé vào thăm một người bạn, tình cờ gặp được Thu đang tập dượt ở đây. Thu nhìn thấy trên bắp tay phải tôi có cuốn dải băng trắng, Thu vội hỏi ngay:

- Anh bị thương lâu chưa? Có nặng lắm không?

Tôi lắc đầu, trả lời:

- Nhẹ thôi, không sao.

Thu nói chuyện với tôi ở phòng khách. Tôi kể lại chuyện trận chiến vừa mới xảy ra, thấy Thu lắng nghe chuyện một cách say sưa, khiến tôi phải buột miệng hỏi:

- Cô chăm chú nghe là do người kể hay, câu chuyện hấp dẫn hay là thấy “người ấy” quá xuất sắc?

Tôi chỉ thấy đôi môi hình trái tim của Thu mấp máy, mà chẳng nghe rơ cô nói gì.

Ngày tôi trả phép để ra đơn vị, Thu có nhờ tôi gửi đến cho Nhân một cái hộp nho nhỏ. Sau này, có lần Nhân lấy trong túi ra cho tôi xem một cái hộp quẹt Zippo còn mới tinh, nói là của Thu tặng, trên có khắc đầy đủ họ tên hai người. Tôi nói vui:

- Anh không hút thuốc, cho nên người đẹp nhắn là anh nên tập hút thuốc cho có dáng phong sương người lính trận!

Sau cuộc hành quân ở Campuchia, Tây Đô được thăng cấp lên Đại Uý. Nhân được ân thưởng một Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu. Tôi được một Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Vàng.

Những tháng cuối năm 1970, Tiểu Đoàn 2 tham dự cuộc hành quân ở địa bàn thuộc quận Đức Dục tỉnh Quảng Ngãi, sau đó là cuộc hành quân Lam Sơn 719/ Hạ Lào. Trong lần hành quân này, Nhân tạm thời giữ chức vụ Đại Đội Phó thay cho Th/Uý Trần Thành Nghĩa đi tham dự khóa học ĐĐP/CTCT.

Chiến dịch mang tên Lam Sơn/719 là một cuộc hành quân quy mô rất lớn có tính chất chiến lược, xảy ra trên chiến trường nước Lào. Các sư đoàn tham chiến đều là những đơn vị thiện chiến nhất của Quân đội/ VNCH. Trong đó có hai Sư Đoàn Tổng Trừ Bị là: Nhảy Dù và Thuỷ Quân Lục Chiến.

Trận chiến này, khi kết thúc đã để lại một tổn thất vô cùng to lớn, nhất là sự thiệt hại về nhân mạng mà các đơn vị tham chiến đã phải gánh chịu?

Sau khi chấm dứt cuộc hành quân Hạ Lào, Tiểu Đoàn 2 trở về căn cứ Sóng Thần ở Thủ Đức (không còn ở Tam Hà), để tái bổ sung và huấn luyện. Nhân dịp này, Sư Đoàn có tổ chức một buổi tiệc khao quân ở căn cứ Sóng Thần gồm có các tiểu đoàn. Trong buổi tiệc, Nhân và Thu ngồi chung một bàn với anh em cùng Đại Đội 1. Tiệc có chương trình văn nghệ, trong bàn ai cũng đề nghị Thu lên góp vui, chần chừ mãi rồi Thu cũng đồng ý:

-Kính thưa các anh, Thu xin được góp vui với nhạc phẩm: “Trả lại em yêu ” của nhạc sĩ Phạm Duy. Bài hát này Thu cũng xin được thương tặng riêng cho Th/Uý Nhân Đại Đội 1 Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên.

Nhiều tiếng la ó vui vẻ, riêng những đồng đội ngồi cùng bàn, ai cũng đưa mắt nhìn Nhân với niềm vui chúc mừng: “Trai tài gái sắc”

...Anh sẽ ra đi về miền cát nóng, nơi có quê hương mịt mù khói súng. Anh sẽ ra đi về miền mênh mông, cơn gió cao nguyên từng đêm lạnh lùng...”

Thu chỉ là một ca sĩ “nghiệp dư”, nhưng bài hát được Thu trình diễn đêm nay thật “có hồn”, giọng hát đem đến cho người nghe rất nhiều cảm xúc. Tôi tò mò, hết nhìn Nhân rồi lại nhìn Thu đang hát. Có lúc tôi nghĩ: “Phải chăng Thu muốn mượn bài hát này để trải lòng mình đến với Nhân không?

Khi hoàn tất chương trình tái huấn luyện ở quân trường Vạn Kiếp – Vũng Tầu, Tiểu Đoàn 2 trở lại tỉnh Quảng Trị, để tham dự những cuộc hành quân tiếp theo.

Trước ngày lên đường, Nhân được lệnh qua giữ chức vụ ĐĐP/ĐĐ2 do Đại/Uý Từ Đức Thọ làm ĐĐT. Còn tôi là ĐĐP/ĐĐ1 do Đại/Uý Lâm Tài Thạnh làm ĐĐT. Từ đó, tuy vẫn ở trong cùng một Tiểu Đoàn nhưng rất ít khi có dịp được gặp nhau, kể cả có lần đơn vị được về nghỉ dưỡng quân ở hậu cứ CC/ST/TQLC.

Vào những tháng đầu năm 1972, bọn cầm quyền Bắc Việt ngang nhiên xua quân qua vĩ tuyến 17, bất chấp những điều khoản được ký kết giữa hai miền.

Chúng được viện trợ dồi dào từ các nước lớn trong khối cộng sản, với những loại vũ khí tối tân hiện đại, đó là động lực lớn hỗ trợ cho ý đồ thôn tính miền Nam, nên chúng tung ra một loạt những trận địa chiến, trên khắp các miền đất nước. Tỉnh Quảng Trị là một trong những tỉnh trọng điểm mà bọn chúng quyết tâm chiếm cho bằng được, cho dù có phải trả với bất cứ giá nào.

Qua những ngày tháng phải đương đầu với những trận địa ác liệt xảy đến khắp nơi trong địa bàn tỉnh Quảng Trị. Vì áp lực quá nặng, nên các đơn vị và quân dân chính, đành phải rút về bên kia bờ sông Mỹ Chánh. Dòng sông này, tạm thời trở thành địa đầu giới tuyến, được Sư Đoàn TQLC trấn giữ.

Ngày 28/6/1972, Tổng Thống VNCH ban lệnh tái chiếm lại tỉnh Quảng Trị. Cùng với các sư đoàn khác, hai Sư Đoàn Tổng Trừ Bị là: Nhảy Dù và Thuỷ Quân Lục Chiến, xuất phát từ con sông Mỹ Chánh, đi song song hai bên Quốc Lộ 1, tiến về Cổ Thành Quảng Trị.

Hai ngày đầu, cánh B Tiểu Đoàn 2 gồm: ĐĐ1 và ĐĐ2, không có đụng độ nào với bọn VC trên đường tiến quân. Nhưng ngay sau đó, ngày nào cũng xảy ra những cuộc chạm súng lớn, nhỏ. Chúng vẫn sử dụng chiến thuật pháo kích để gây tổn thất cho quân ta.

Ngày N, hai Đại Đội 1 và 2 cùng sát cánh tiến quân vào một xóm làng rất rộng và trù phú. Nhìn nhà cửa, ruộng vườn ngang dọc nằm sát nhau, giống như một ”bát quái trận đồ” trong truyện Tầu. Địch đã lợi dụng những nơi hiểm hóc nơi này để “ẩn thân chờ địch”.

Đến giữa trưa, đơn vị dừng chân tạm nghỉ, hai đại đội bố trí hàng ngang tiếp giáp với nhau. Lúc tôi đang ăn cơm, thì người hiệu thính viên vội vã đến nói với tôi:

-Tây Đô nói, ông Thầy đi kiểm tra, không cho ai được rời bỏ vị trí đi lung tung. Bên ĐĐ2 trông thấy có người bên mình chạy trước tuyến của họ.

Tôi vội đi đến chỗ có trung đội tiếp giáp với ĐĐ2, thì tình cờ gặp Nhân đứng ở gần đó. Thật là vui, vì cũng đã lâu ngày lắm rồi mới gặp nhau, sau khi trao đổi tình hình xong, chúng tôi tranh thủ tâm sự với nhau. Ai cũng mệt mỏi, trông chờ có ngày được về Saigon, vì cuộc hành quân này đã kéo dài gần nửa năm rồi mà chẳng thấy tăm hơi gì cả, không giống như các cuộc hành quân trước kia.

Tôi có ý nói đùa vui với Nhân:

- Cô em trên con đường Duy Tân đầy bóng mát, chắc mong chờ chàng dữ lắm?

Nhân nhếch mép cười, nói:

-Thu có viết thư cho tôi, hỏi sao lâu quá không thấy các anh về Saigon, bao giờ các anh mới được về nghỉ dưỡng quân ở hậu cứ? Cô ấy đâu có biết, mình còn mong hơn cả cô ấy nữa!

Chúng tôi chia tay sau ít phút ngắn ngủi. Khi tôi vừa mới bước đi được vài thước, bỗng nhiên nghe có khoảng hai, ba tiếng súng AK- 47 nổ từ phía trước mặt vị trí. Tôi vội ra lệnh báo động cho mọi người về vị trí chiến đấu. Ngay lúc ấy, tôi cũng nghe được tiếng như hối thúc vẳng qua từ bên ĐĐ2:

- Mau đem ông ấy về BCH/ĐĐ.

Tôi giật mình, nghĩ thầm: “Không lẽ là Nhân sao?”. Lúc nãy bọn VC đã mặc bộ đồ TQLC để lừa và bắn tỉa vào chúng tôi.

Và chỉ có ít phút sau, Tây Đô báo cho tôi biết là Nhân đã bị thương rất nặng vì trúng đạn vừa rồi. Tôi bàng hoàng sửng sốt đến tột cùng. Nhưng rồi tự trấn an lấy mình: “Nhân chỉ mới là bị thương thôi!” Nhưng không phải thế! Vài ngày sau tôi được tin:

Nhân đã qua đời, vì vết thương quá nặng.

“Xưa nay chinh chiến, mấy ai về!”.

Thi sĩ Vương Hân đã viết ra câu ai oán này, để nói về thân phận của những người lính, ngày đêm sống trong nơi sương gió. Việc đối mặt với chiến trường đâu phải chỉ có một lần, mà là chuyện “cổ lai” luôn xảy ra. Hàng vạn người ra ngoài mặt trận để luôn phải đối mặt với cái chết, để rồi có được bao nhiêu người may mắn trở về?

Người lính đành xem cái chết như là một sự trở về!

Khoảng gần ba tháng sau ngày Nhân tử trận, tôi bị thương nặng trong một trận chiến nảy lửa trên đường tiến chiếm lại Cửa Việt-Quảng Trị. Tôi được tải thương về bệnh viện Nguyễn Tri Phương-Huế. Sau đó, được đưa về điều trị ở bệnh viện Lê Hữu Sanh -Thủ Đức. Tôi phải trải qua nhiều lần phẫu thuật.

Vài ngày sau, trong giờ thăm bệnh, bạn tôi và Thu đến thăm tôi. Vừa đến bên giường bệnh, Thu ngạc nhiên hỏi câu thật dễ thương:

- Sao cứ mỗi lần gặp anh là thấy anh bị thương vậy?

Tôi méo mó trả lời:

-Có ai muốn mình bị thương bao giờ đâu?

Tự dưng tôi cảm thấy nhói đau ở ngực, khi nhìn thấy Thu. Hình như cô ấy không biết gì về sự ra đi của Nhân.Tôi mời hai người xuống câu lạc bộ uống nước và nói chuyện.

Vừa ngồi vào ghế, Thu đã nhanh miệng hỏi ngay:

-Anh có gặp anh Nhân không? Sao mấy tháng nay Thu không thấy anh ấy viết thư về cho Thu?

Tôi thật sự chưa có chuẩn bị cho câu trả lời này. Tôi bối rối cau mày suy nghĩ, Thu lại tưởng vết thương làm cho tôi đau:

- Bộ anh đau lắm hả?

Tôi lắc đầu không nói, tự dưng tôi cảm thấy sợ. Tôi rất sợ mỗi khi thấy ai khóc, vì tôi không có đủ can đảm khi nhìn thấy nước mắt rơi. Và tôi cũng biết chắc rằng, có một cái đau mà tôi sắp phải chứng kiến, nó sẽ còn đau hơn cả vết thương tôi đang phải chịu.

Tôi kể lại đầy đủ chi tiết về cái chết của Nhân. Khi vừa nghe được một ít câu, tôi thấy Thu gục đầu xuống tay gối trên mặt bàn, hết câu chuyện một lúc thật lâu mới thấy Thu ngẩng mặt lên. Tôi thấy nước mắt trên hai cánh tay và trên cả mặt bàn. Tôi không dám nhìn vào mắt Thu. Từ lúc đó cho đến khi ra về, Thu không nói thêm một câu nào, ngoài câu:

-Mong anh sớm được bình phục.

Sau khi được xuất viện để về điều trị tại nhà, thỉnh thoảng tôi có ghé thăm gia đình Nhân ở trên đường Bà Hạt, Chợ Lớn. Một năm trôi qua thật nhanh, gia đình Nhân báo tin gần đến ngày giỗ cho Nhân. Tôi cho Thu biết, vừa nghe xong Thu tỏ vẻ lưỡng lự, nói:

-Từ khi quen biết anh Nhân, Thu chưa có lần nào đến gia đình anh ấy bao giờ, bây giờ đột nhiên đến nhà, Thu cảm thấy ngại quá!

Tôi nói:

-Như vậy mới đáng quý, sao lại ngại?

Đây là năm giỗ đầu của Nhân. Vào buổi chiều, Thu đến với một cô bạn. Sau khi tôi giới thiệu Thu với gia đình Nhân, chúng tôi đến trước di ảnh của Nhân thắp nén nhang để tưởng nhớ đến người quá cố. Qua làn khói mỏng hương thơm, thoáng nhìn vào ánh mắt trẻ trung của Nhân, tôi có cảm giác như anh còn đầy những nuối tiếc và xót xa!

Tôi còn nhớ, có một lần hai đứa cùng nằm trên một cái võng, mỗi đứa một đầu. Tôi hỏi Nhân một câu như đùa:

-Nếu ông Trời cho anh một điều ước, thì anh sẽ ước điều gì?

Nhân có vẻ suy nghĩ, một lúc sau mới trả lời:

- Tôi ước đất nước mình không còn chiến tranh. Tôi sẽ cởi áo trả lại cho quân đội, rồi về nhà làm mộc như ba tôi.

...Tráng sĩ buông gươm, lòng uất nghẹn.
Đại bàng gẫy cánh, dạ vương sầu...

Ngoài ba người chúng tôi là khách, còn lại là người trong gia đình. Trong bữa cơm giỗ, thấy mẹ Nhân thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn tôi, rồi lấy cả hai bày tay lau nước mắt. Tôi hiểu bà đang nghĩ gì? Trong gia đình tôi, mẹ tôi cũng thế!

Ai đã đi qua những ngày mưa, mới biết yêu thương những ngày nắng. Có trải qua chiến tranh mới biết nỗi đau mất mát lớn biết là dường nào!

Trên cõi đời này, nhiều người vẫn thường nghĩ rằng:

“Cuộc sống của chúng ta đều được an bài bởi một định mệnh.”

Cho nên, chúng ta không thể nào đi ngược lại những gì mà Thượng Đế đã đặt để cho kiếp nhân sinh. Vì thế, hãy sống cho có ý nghĩa và cái chết xứng đáng được lưu danh cho hậu thế.

Nhân ơi! Anh đã sống và chết như thế, vì Anh là một người lính Thuỷ Quân Lục Chiến của Quân Đội VNCH!

Chúng tôi từ giã ra về, lúc Thu chào mẹ Nhân, tôi thấy bà cầm hai bàn tay Thu thật lâu, dường như bà muốn nói một điều gì với Thu, tôi vội bước nhanh ra ngoài cửa, đứng chờ. Nhìn thấy hai người phụ nữ, một già một trẻ, một người mẹ, một người t́nh của tử sĩ Nhân nắm chặt tay như để cùng chia sẻ một nỗi đau thương, trong lòng tôi cũng buồn lây. Tôi chợt nghĩ đến mẹ tôi và người tôi thương, một ngày nào đó cũng sẽ...

Buổi chiều hôm ấy có nhiều gió, bầu trời thấp bởi những đám mây xám xịt, từng cơn gió mạnh cũng đang vất vả xua nó đi. Tôi nghe đâu đây có tiếng hát:

“...Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người, biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi. Mùa vàng lên biêng biếc bóng chiều rơi, nhạc hoài mong ta hát vì xa người. Thu hát cho người. Thu hát cho người, người yêu ơi! ” (VĐSB)

Tôi đứng lặng im, mà không để ý đến Thu đã đứng bên cạnh từ lúc nào. Tôi chợt quay sang nhìn Thu thấy trong ánh mắt của Thu long lanh ngấn lệ!

NEW YORK, mùa NOEL, năm 2019.

MX LÂM THẾ TRUYỀN.