Anh Hai

Cánh cửa nhà vừa mở, luồng gió lạnh lùa vào, tôi kéo cao cổ của áo lạnh rồi bước ra ngoài. Theo thói quen mỗi sáng thức giậy điều trước tiên là tôi thăm khu vườn trồng trọt của mình. Ba hôm trước mưa cả ngày, toàn thân được phủ ấm, tôi đứng trong patio nhìn khu vườn qua làn mưa trắng, tai nghe âm thanh giọt nước mưa chạm mạnh vào mái che Patio, âm thanh đó sao quá quen thuộc từ thời xa xưa hơn 50 năm, tiếng lốp bốp như giận dữ của những hạt mưa tiên phong bị cái Poncho chận lại, rồi các hạt mưa sau dịu lại khi nước từ bầu trời trút xuống. Đời lính tác chiến với poncho là mái nhà, võng và tấm đấp như chăn êm nệm ấm, riêng TQLC đi khắp 4 vùng chiến thuật, từ sông Bến Hải đến Mũi Cà Mau, sống với tình đồng đội, cùng sự quan tâm tinh thần trách nhiệm của đơn vị trưởng. Thời gian qua nhanh không kéo lại được, nhưng vài hình ảnh đó vẫn còn lởn vởn trước mắt.

Hôm nay đầu tháng 12, đầu óc tôi không còn lo lắng vì mùa giông bão đã chấm dứt ngày hôm qua. Tuy trời nắng ráo nhưng lạnh, gió thổi mạnh nên càng lạnh hơn, bãi cỏ nhiều lốm đốm trắng do sương đông thành đá, lá các loại cây leo như Khổ Qua, Mồng Tơi đen thui, lá cây đu đủ héo rụi. Hàng chục trái khổ qua xanh đẹp giờ nhiều chổ như bị nấu chín. Ai đã làm vịệc trong freezer  các hãng thực phẩm lớn hiểu rõ tình trạng này.

Trong không khí lạnh, cảnh vật chung quanh vài hôm trước xanh tươi, bây giờ một số chết rũ, làm lòng tôi trĩu xuống. Tôi trở vô nhà, tin buồn Anh Hai (tiếng gọi thân tình) Trung Tá Nguyễn Văn Phán đã giã biệt cỏi đời sau cơn bạo bệnh kéo dài hành hạ anh. Tôi mường tượng hình ảnh Anh Hai dù sức khỏe ngày càng suy giảm, trên chiếc xe lăn Anh Hai vẫn đến sinh hoạt binh chủng để gặp mặt anh em. Những chiến hữu ngày xưa mà đôi chân đã một thời cùng cùng Anh Hai dẫm nát các mật khu địch, suốt “12 tháng anh đi” mà bao người không trở lại. Họ và Anh Hai cùng rung động theo nhịp đập của con tim nặng tình yêu quê hương, hy sinh không khí ấm cúng gia đình, chọn cuộc sống cận kề sinh tử, đổi lấy sự an bình cho người dân sinh sống từ Bến Hải đến Mũi Cà Mau. Các chiến hữu tại Houston, tại các tiểu bang lân cận, hay từ Virginia, từ San Jose, hoặc xa vạn dặm Úc Châu, đến thăm nhen lại ánh lửa kỷ niệm thuở xa xôi sưởi ấm lòng Anh Hai, ông thầy cũ. Người lính Thiết Giáp từng tăng phái cho Anh Hai, nhờ tôi chở tới thăm ông đơn vị trưởng biết thương thuộc cấp. Cuộc trò chuyện về những ngày đó mà Anh Hai vẫn nhớ, lúc thì anh gật đầu, khi thì anh nói đặc sệt giọng Huế, cái giọng đó sao tôi cảm thấy dễ thương chi lạ, có phải vì cùng chung phong thổ dòng sông Hương, đặc biệt là sông An Cựu nắng đục mưa trong với “Mụ Vợ” của tôi.

- Alô! Phải Nhân đó không, Quang Dũng đây.

-Đàn em xin chào Quang Dũng.

Sau vài lời tâm sự, Quang Dũng Trung Tá Hồ Quang Lịch cựu TĐT/TĐ5/TQLC nói:

-Quang Dũng ở xa, nếu Nhân tới viếng Phu Nhơn, cho anh gởi lời chia buồn với gia đình. À, nhớ đại diện anh em TĐ5/TQLC chia buồn với gia đình Phu Nhơn.

- Dạ, đàn em nhận Quang Dũng 5/5.

Tôi phải viết những lời đối thoại cùng Quang Dũng, để khi nói đại điện anh em Hắc Long, tôi xin sự cảm thông tránh sự hiểu lầm tự đề cao, khoát loát, vì hiện tại còn nhiều NT con chim đầu đàn của Tiểu Đoàn 5 Hắc Long.

Nhớ lại ngày tôi cùng 14 anh em cầm Sự Vụ Lệnh trình diện Đại Tá Bùi Thế Lân, Tham Mưu Trưởng Lữ Đoàn TQLC, bổ sung đơn vị tác chiến và tôi may mắn an toàn, phục vụ TĐ3/TQLC khá lâu, cho đến lúc học khoá Bộ Binh Cao Cấp rồi thuyên chuyển về TĐ5/TQLC. Tôi chỉ gặp Anh Hai vài lần trong suốt đời binh nghiệp, không sống với Anh Hai, không biết nhiều về anh Hai, nhưng tại sao tôi lại viết về Anh Hai. Trong đời quân ngũ̉, mỗi cá nhân có một hay nhiều đối tượng đáng kính phục hoặc bĩu môi khinh bỉ, nhưng nếu nhận xét nào đó được nhiều anh em đồng tình thì may phước cho tôi, còn ngược lại thì tôi trở thành kẻ lập dị, người Huế gọi là nói Nghịch, người Nam cho là bợ đít, là kinh tài, là xách cặp.

Anh Hai từ Virginia dọn về Houston, tôi được gặp và tiếp chuyện. Tánh anh Hai khẳng khái, hào phóng, thương đồng đội và tính giang hồ, điều này làm tôi nhớ đến Đại Úy Nguyễn Phát Roanh Tiểu Đoàn Phó TĐ3/TQLC. Thời gian đó tôi chỉ là một trung đội trưởng, nhưng tôi cũng biết, Đại Úy Roanh gốc Thiếu Sinh Quân, phục vụ TĐ4/TQLC và thuyên chuyển về TĐ3/TQLC. Năm 1968, vào đêm hôm trước, TĐ2/TQLC đụng độ nặng tại Cầu Khởi, chiến trường khốc liệt và Việt Cộng thãm bại. Thời gian đó TĐ3/TQLC đổ quân xuống khu rừng phía Đông Bắc Truông Mít. Đợt đổ quân đầu bị địch bắn dữ dội, nên các đợt sau phải thả màn khói cho an toàn. Hôm sau đoàn xe của Hoa Kỳ bị VC bắn gần Truông Mít, nhưng chúng bị tiêu diệt trọn. TĐ3/TQLC từ trong rừng kéo ra, dưới trời nắng gắt đơn vị phải đi qua bãi trống dài 3 cây số, thấy Truông Mít như lung linh qua màn sương mỏng trước mặt. Sau này ra Quảng Trị mới biết cái nắng ở Tây Ninh nóng rát chẳng khác nào cái nóng của gió Nam Lào. Khi tôi tới gần Truông Mít, một người trên xe jeep vẫy tay ngoắc tôi:

- Em lại đây uống miếng nước.

Khi giáp mặt, tôi nhận ra và chào Đại Úy Roanh Tiểu Đoàn Phó. Đại Úy Roanh cầm lon bia lạnh trao cho tôi

- Em làm hớp bia cho mát đi em.

Ôi! Làm sao diễn tả cho chính xác, tôi cứ như cảm thây bia lạnh đang lăn từ bờ môi lần xuống cuống bao tử. Ai đã từng uống bia lạnh sềnh sệt ở Tân Vạn gần Cầu Gành, lúc nhấp môi đầu tiên sẽ giống như vậy, nhưng hớp bia từ Đại Úy Roanh trộn với tình cảm của người chỉ huy, khó hình dung được. Cuối năm 1968, Tiểu Đoàn Phó Nguyễn Phát Roanh hy sinh tại vùng hành quân ở quận Càn Long tỉnh Vĩnh Bình.

Anh Hai cũng rất hoà đồng với thuộc cấp, xắn tay áo làm chung với người lính. Anh Hai là cầu thủ trong đội banh của TĐ8/TQLC, khi tranh giải với các tiểu đoàn khác, một cầu thủ đội banh bạn tâm sự thấy Phu Nhơn càn xuống là em hoảng sợ, để Phu Nhơn dẫn banh đi luôn. Phu Nhơn chăm lo cho thuộc cấp, ông quan niệm tiểu đoàn mạnh là do các đại đội trưởng giỏi (cũng vậy đại đội cứng cựa là nhờ vào Trung Đội Trưởng, Tiểu Đội Trưởng) đó là một sự hổ tương. Anh Hai khác với một vài cá biệt cùng trách nhiệm, đẳng cấp, anh đã chạy đặc cách cho 3 đại đội trưởng, điều hiếm thấy trong binh chủng.

Trung Úy Lượng Chi Đoàn Trưởng Chi Đoàn 1/ 15 Thiết Giáp nể phục tâm sự với bạn cùng khoá trong khi bàn giao chi đoàn:

- Ông Phu Nhơn TĐT, mỗi khi tiểu đoàn đụng trận, ông chạy lên phía trước, tao theo muốn mệt.

Năm 1973, Trung Úy Tăng Khải Minh thay thế nhiệm vụ cho Trung Úy Lượng về học, anh Minh giải thích, trong cuộc chiến 1972, Chi Đoàn 1 của Thiết Đoàn 15 Thiết Giáp tăng phái cho Thiết Đoàn 18 Thiết Giáp, Chi Đoàn 1/15 TG tăng phái cho TĐ8/TQLC của Anh Hai. Anh Minh cho biết một lần thèm vô Huế chơi, anh lên trình với Anh Hai, Anh Hai bảo

- Giao trách nhiệm cho thằng phó (chi đoàn phó) trông coi, chiều nhớ trở về.

Trên đường vô Huế, anh Minh gặp xe jeep của Thiếu Tá Sĩ Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 18 từ Huế ra .

Thiếu Tá Sĩ vặn hỏi âm thoại viên chi đoàn về ông thầy, sau cùng Thiếu Tá Sĩ nói:

- Trung Úy Minh đang ở Huế, khi nào Trung Úy Minh về, bảo ổng lên trình diện tôi ngay.

Buổi chiều trở về nghe câu chuyện, Trung Úy Minh lên trình bày cùng Anh Hai. Anh Hai nhìn anh Minh, gương mặt có vẻ tức giận

- Nó phải biết luật lệ chớ. Chi đoàn của anh tăng phái cho tôi, Tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn xử dụng chi đoàn anh trong mọi tình huống, chỉ huy, điều động. Tôi có quyền cho phép anh vô Huế, sáng đi, chiều về, Thiếu Tá Sĩ không thể hạch sách, bắt anh trình diện hay hăm he phạt anh.

Anh Minh trốn chạy cái lạnh về Houston, nghe Anh Hai ở đây, anh nhờ tôi đưa đến thăm cấp chỉ huy đã bảo vệ cho thuộc cấp, dù chỉ là đơn vị tăng phái.

Tình người nơi hải ngoại thật đáng ghi nhớ, mọi người đến Mỹ đều bỡ ngỡ, lo lắng công việc làm để làm lại cuộc đời nơi đất khách. Thiếu Tá Trần Ngọc Toàn TĐT/TĐ4/TQLC và Đại Úy Lê Đình Đơn cùng trại tỵ nạn Thái Lan, đến Virginia, may mắn gặp Anh Hai, chỉ 2 tháng sau cả hai người có việc làm tại toà soạn báo The Washington Post.

Giờ đây khi tôi lật phần cuối sách CĐNT, nhìn “Trang hình của Trung Tá Nguyễn Văn Phán tặng” gồm các bức hình quý báu, gợi nhớ bước chân người lính TQLC di chuyển bằng GMC, xông vào mục tiêu khi Trực Thăng Vận đổ quân, tràn lên bờ lúc tàu Hải Quân ũi bãi.. Những tấm ảnh kỹ niệm xa xưa mà Anh Hai tặng vẫn còn đây, mà anh đã ra đi lòng viên mãn, để người ở lại xót xa..

Tôi xin dâng Anh Hai nén hương thành kính, nguyện cầu Anh Hai sớm về miền Lạc Cảnh.

Giang Văn Nhân

 


Tưởng Niệm

2020

Thương tiếc bạn hiền Lê Đình Bảo
Tiễn biệt Đại Bàng Phu Nhơn
Kính Anh Nguyễn Văn Phán
Anh Hai
Nhớ về anh Phán
Tiễn Biệt NT Nguyễn Văn Phán
Tiễn biệt Đ/U Trần V. Hên
Tưởng niệm LM Tuyên Úy Hoàng Văn Thiên
Tiễn anh Trần Văn Chí
Lễ phủ cờ ĐB Cao Bằng
Thương tiếc Đại Bàng Cao Bằng
Tiếc thương Cao Bằng
Tưởng Nhớ anh Lê Văn Huyền

2018

Món quà cho bố
Khóc bạn
Kỷ niệm với MX Trần Văn Loan
Chào tiễn biệt Trần Văn Loan
Lộc "Đã đi rồi!"

2016

Tưởng nhớ cựu Đ/U Nguyễn Văn Thạch
Tưởng niệm NT Trương Đình Khánh
Hình ảnh tiển biệt MX Hồ Phó Giêng

2015

Đứng lên đi - Hình ảnh về tang lễ NT Nguyễn K. Đễ
Thơ Tưởng niệm - Hình ảnh tiển đưa NT Nguyễn M. Châu
Hình ảnh Lễ Phát Tang và Phủ Kỳ cho MX Lê Văn Bé
Chào tiễn biệt đồng đội người lính Mũ Xanh Nguyễn Văn Định

2014

Tiễn MX Trần Kim Tài
Tiễn biệt MX Trần Kim Tài
Tang lễ MX Phan Đông
Khóc bạn Phan Đông
Vĩnh biệt Pháo Thủ Phan Đông
Vô cùng thương tiếc MX Phan Đông
Vĩnh biệt MX Phan Đông
Tiễn Anh - MX Hoàng Quang Xuyên
Tang lễ Pháo Thủ Hoàng Quang Xuyên
Lễ tưởng niệm Thiếu Tướng Bùi Thế Lân
Tiễn đưa MX Lê Tấn Lợi
Tiễn đưa Thiếu Tướng Tư Lệnh
Tưởng nhớ Tướng Bùi Thế Lân
Long Lân Quy Phụng
Những người lính Trừ Bị
Vĩnh biệt ĐB Lạng Sơn
Chào vĩnh biệt ĐB Lạng Sơn
Lễ phủ cờ cố Thiếu Tướng Bùi Thế Lân 1 - 2
Lễ hỏa táng cố Thiếu Tướng Bùi Thế Lân
Tiễn chân MX Cao Hòa


2012

Một ngày Đông - Tưởng nhớ Nguyễn Xuân Loan


2011

Tang Lễ MX Nguyễn Minh Phú
Tiển biệt Lâm Đồng Đinh Xuân Lãm
Lời Cảm Tạ của gia đình Bà Đinh Xuân Lãm
Lễ Phủ Cờ NT Đinh Xuân Lãm Ngày 24-7-2011
Tưởng nhớ cố Đại Tá Nguyễn Thế Lương
Vài kỷ niệm với Y Sĩ Trung Tá Nguyễn Văn Thế
Những Kỷ Niệm Khó Quên về BS Nguyển Văn Thế 
Kỷ niệm với Tiểu Đoàn Quân Y Và TĐT/TĐQY/TQLC Y Sĩ Trung Tá Nguyễn Văn Thế
Lời Cảm Tạ của gia đình BS Nguyễn Văn Thế
Điếu văn BS Nguyễn Văn Thế
Lương Y Bồ Tát Giuse Nguyễn Văn Thế
Thương Tiếc Bác Sĩ Nguyễn Văn Thế
Hình ảnh về đám tang BS Nguyễn Văn Thế
Lễ Phủ Quốc Kỳ cho BS Nguyễn Văn Thế


2010

Viết vội cho em tôi Cao Xuân Huy
Đời lính của Cao Xuân Huy
Cao Xuân Huy - Tại sao?
Vĩnh biệt Cao Xuân Huy
Cao Xuân Huy - Vài mẩu chuyện - Bài đọc
Cao Xuân Huy - Phù du như bọt biển Thuận An
Cao Xuân Huy - Người ở lại Thuận An
Cao Xuân Huy từ chuyện tháng Ba gẫy súng
Ông Gẫy Súng đã " lên tàu "
Vui buồn biết ngỏ cùng ai ?
Lễ Phủ Kỳ cho MX Cao Xuân Huy
Lễ hỏa táng MX Cao Xuân Huy
Audio về Cao Xuân Huy - Bài 1 - 2 - 3
Video - Cao Xuân Huy, ngày cuối...
Video - Vĩnh biệt Cao Xuân Huy