NHẬT KÝ HÀNH QUÂN TRUNG ĐỘI

(Từ 12/67 tới 4/69)
MX Vi Q. Hoàng.

Gần tới ngày tốt nghiệp thì bỗng có lệnh khóa tôi phải chia 2, nửa khóa ra trường thiếu úy, nửa khóa phải ở lại dùi mài thêm 2 năm nữa! Tin sét đánh ngang tai, tôi như ngồi trên đống lửa, không biết số phận sẽ lọt vào nửa nào? Nếu phải ở lại quân trường thêm 2 năm nữa thì ra trường “chết xướng hơn”. Nhưng nhờ trời thương, tôi nằm trong danh sách tốt nghiệp ra trường sau 2 năm và trời thương lần thứ hai là chọn được đơn vị mình ưng ý là Binh Chủng TQLC, và hên lần thứ ba là được chọn về Trâu Điên. Nhưng lần thứ tư thì …không vui, vì bị về ĐĐ.1 là gặp ông đại đội trưởng Cần Thơ (CT) Tô Văn Cấp mà tin đồn rằng ổng chẳng dễ chịu chút nào. ĐĐP là Tr/Úy Nguyễn Quốc Chính dẫn tôi trình diện CT, ổng có nước da của Bao Chuẩn, thêm bộ ria đen là tôi biết tin đồn không sai. CT ngắn gọn:

_ Chú theo đại đội phó xuống nhận bàn giao trung đội, đã có sổ tay ghi chép chưa?

Như vậy là tôi làm trung đội trưởng ngay mà không bị hưởng quy chế “OJT”, tôi mong và sẵn sàng nhưng hơi bị bất ngờ khi ổng hỏi cuốn sổ tay. Thấy tôi ấp úng, ổng giải thích:

_Với tôi, mỗi trung đội trưởng phải có một cuốn sổ tay để trên túi áo, trong đó ghi danh sách quân số, đặc biệt là gia cảnh vợ con của mỗi quân nhân trong trung đội, thừa giấy thì ghi những lệnh và chi tiết nào cần nhớ. Chưa có phải không? Vậy thì cầm tạm cuốn sổ này đi.

Đưa tay đón cuốn sổ mà lòng tôi thầm nghĩ: “khó thở với ông đại đội trưởng này chứ không phải chơi”. Anh Chính dẫn tôi đi nhận Trung Đội của Chuẩn Úy Hà, Hà bị thương đang nằm bệnh viện. Nhìn những Trâu Điên quân phục và súng ống đứng chào mà tôi thật sự bị khớp, nhưng may mắn có anh Chính hướng dẫn và Trung Đội Phó là Tr/Sĩ I Mạnh vui vẻ làm tôi an tâm phần nào. Sực nhớ có cuốn sổ, tôi lôi ra ghi chép ngay tại chỗ và hình như những cặp “sừng trâu” gật gù làm tôi thêm can đảm.

Cuốn sổ tay theo tôi đi hành quân và đã giúp tôi nhớ nhiều điều hữu ích, và cũng nhờ đó mà tôi còn giữ được những dòng nhật ký hành quân này.

Ngày 23/12/67 về trình diện TĐ.2. Hưởng lễ Giáng Sinh đầu tiên tại đơn vị ngày 24, 25 qua ngày 26/12 chuẩn bị đi hành quân, Tr/Úy Chính và TSI Mạnh hướng dẫn sắp xếp mọi việc.

Ngày 27/12/1967: TĐ.2/TQLC được không vận bằng C.130 từ phi trường TSN/SG xuống phi trường Vĩnh Long, đóng quân tại xã Tân Ngãi, huyện Châu Thành, Vĩnh Long. Sáng 28/1/67, đổ quân tại kinh Tổng Đốc Phương, Tây-Bắc Cai Lậy, 3 ngày bình yên.

Chiều 30/12/67: Vừa đóng quân xong thì Cần Thơ gọi các trung đội trưởng đến họp, lệnh 1 ngày cơm vắt, sẵn sàng tại bãi bốc lúc 7AM ngày hôm sau. Trung đội của tôi đi đầu, MT là kinh Cái Thia, vẽ phóng đồ lên bản đồ. CT cho tôi biết là Tr/Úy Chính ĐĐP không đi với trung đội tôi nữa.

Trong 3 ngày lội vừa qua, anh Chính luôn bên cạnh tôi, chỉ dẫn từng chi tiết trên bản đô và địa thế. Như vậy là mai trung đội tôi phải nhẩy đầu tiên xuống muc tiêu mà không có ĐĐP kèm nữa làm tôi lo lắng, cầu mong bình an.

Sáng 31/12/1967, 7AM sẵn sàng tại bãi bốc, vừa yên vị trên trực thăng tôi ngạc nhiên thấy anh Chính nhẩy lên theo, ngồi cùng với tôi ở chiếc trực thăng thứ hai. Muốn hỏi anh lý do nhưng cánh quạt trực thăng ồn quá.

Trực thăng vừa đáp xuống ruộng lúa, nước cao ngập đầu gối, đạn từ bìa kinh bắn ra, tiểu đội Tr/Sĩ Nhị xuống đầu tiên có mấy anh em đã bị bắn gục, tiểu đội trưởng Nhị bị thương, tôi còn đang loay hoay thì anh Chính hô nằm sát xuống ruộng, núp vào bờ, lúa cao ngập đầu, anh ra hiệu đưa máy cho anh liên lạc và rồi anh gục xuống! Có lẽ antenna lá lúa cao hơn ngọn lúa nên lộ mục tiêu. Anh dạy bảo tôi kinh nghiệm trận mạc vừa tròn 4 ngày và bây giờ anh đi! Nếu anh không đi kèm tôi thì chuyện gì xẩy ra? Đấy là chỗ của tôi.

Sau vài đợt khu trục cánh quạt AD6, rồi PB, mục tiêu khói lửa mù trời, chúng tôi trườn bò lê lết bám được vào bờ kinh, ổn định tình hình, tiếp tục chiến đấu, tiếp tục tải thương và địch đã rút lui. Tới chiều tối, cánh B do TĐP Đà Lạt chỉ huy gồm ĐĐ.1 và ĐĐ.3 vừa đóng quân xong thì cánh A của TĐT Đồ Sơn và các ĐĐ.2, ĐĐ.4 và CH bị tấn công. Tin cho biết người bạn cùng khóa là Lê Văn Lệ bị trọng thương, anh ruột của Lệ là Lê Văn Thể cũng bị luôn. Có lệnh cánh B tiếp viện cho cánh A, CT bảo tôi cho chôn tất cả vật dụng nặng xuông hố rồi cấp tốc di chuyển bì bõm dưới sình lầy trong đêm. CT sợ tôi nản chí, bèn vỗ vai tôi: “cố lên”. Gần sáng mới bắt tay được với cánh A, VC đã tan hàng.

Phạm vi một trung đội trưởng tôi chỉ biết đến thế thôi, khi quay lại vị trí đóng quân tối qua để lấy sắc đeo lưng và vật dụng nặng, đi xuyên qua mục tiêu, tôi đã thấy xác VC rải rác khắp nơi, một cái xác đứng dưới hố, nhưng không có đầu bị Hạ Sĩ Tám kéo lên…
Thấy CT ngồi trên nón sắt, kéo Ruby liên tục, biết anh đang nghĩ gì, tôi hỏi:

_ Sao anh đổi lệnh, bảo anh Chính đi với tôi?

_ Trước khi đi chuyến này, Chính vừa cưới vợ, cô Lựu, chiều qua thấy Chính thở dài có vẻ bồn chồn nên anh bảo Chính đi với ban chỉ huy đại đội, nhưng rồi thấy chú mới quá nên Chính zoọc lên đi với trung đội đầu. Tình đồng đội ngoài mặt trận là thế đấy. Sống chết với TQLC là thế đấy.

Ngày 1/1/68 đến ngày 28/1/68: Hành quân quanh vùng Cai Lậy, Đồng Tháp Mười, bình yên. Đóng quân tại rạch Bà Tồn rồi di chuyển sâu vô 2 bên QL4 đề yểm trợ an ninh cho dân Vùng 4 chuyển hàng hóa về Sài Gòn trong dịp tết Mậu Thân.

Ngày 29/1/68: Di chuyển về quận Cai Lậy, đóng quân đọc theo 2 bên bờ sông. Ngày 30/1/68 tức 30 Tết, liên hoan, cái Tết đầu tiên ngoài đơn vị. Tôi bâng khuâng nghĩ đến anh Chính và mấy binh sĩ vừa hy sinh ở kinh Cái Thia. Nếu anh Chính không đi với tôi và tôi gặp nạn như anh Chính thì giờ này, ngày Tết gia đình tôi nghĩ sao nhỉ?

Ngày 1/2/68 tức mồng 2 Tết Mậu Thân: Tin tức cho biết VC tấn công khắp nơi ở Thủ Đô Saigon, sáng sớm mồng 2 Têt, trực thăng Chinook bốc Trâu Điên từ Cai Lậy thả xuống ngay trong sân Bộ T.T.M. ĐĐ.1 tấn công VC tại trường SN quân đội, TT Ấn Loát v.v.. phòng thủ đêm ngay trong TTM. Đêm khuya, trung đội tôi phát giác có 1 bóng đen bò vào tuyến, tôi báo CT, ổng cho lệnh đừng bắn mà phải bắt sống. Tưởng bắt sống được VC trong TTM, ai dè đó là một quân nhân thuộc phòng TQT/TTM trốn VC nay bò ra. May mắn cho anh ta.

Ngày 3/2/68: Di chuyển ra khỏi TTM, đặt thuộc quyền xử dụng của BTL Cảnh Sát, bao vây tấn công VC ở khu vực chùa Ấn Quang và đường Trấn Nhân Tôn. Nơi đây trung đội của Kiều Công Cự thuộc ĐĐ.4 đã bắt được 1 VC, hắn tên Bẩy Lốp.

Ngày 6/2, ĐĐ.1 được lệnh đi giải tỏa đồn Cảnh Sát ở Chợ Lớn vì đang bị VC chiếm, CT cho lệnh tôi tấn công hông, nhưng phải trèo qua cái villa kế bên. Tôi gặp bà đầm người Đức nói tiếng Việt, nghe toi xin phép cho dùng villa, bà dẫn tôi vào gặp phu quân, đó là Trung Tướng Dương Văn Đức, một vị tướng nổi tiếng, ông căn dặn chúng tôi phải cẩn thận.

Từ ngày 7/2 đến 7/3: Nguyên 1 tháng trời, ĐĐ.1 được giao nhiệm vụ phòng thủ ở Bưu Điện Saigon kế bên nhà thờ Đức Bà và đài phát thanh Phan Đình Phùng. Tuy được ưu đãi, nhưng thật là gò bó, trên trông xuống, ngoài trông vào, dù cho có giữ kỷ luật tối đa nhưng vẫn không sao tránh khỏi bị rầy. Nhưng dân chúng thì rất thương và yêu Trâu Điên, dành mọi ưu ái và tiện nghi cho vị trí đóng quân, nhưng ông CT thì cứ cám ơn rồi bắt đám nghé chúng tôi “ngủ đường”. Vậy mà cũng có vài chàng nhận nơi đây làm “quê ngoại”, còn Tr/Tá Vũ Đức Vinh, Giám Đốc đài phát thanh thì tặng ĐĐ.1 một tấm plaque bằng đồng ghi chữ: “Cám ơn ĐĐ.1/TĐ.2 TQLC hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” ( sau này CT cho treo ở văn phòng đại đội).
Tr/Tá Giám Đốc Vinh giao cho chúng tôi nhiệm vụ kiểm soát thật chặt chẽ mọi người ra vào đài phát thanh, kể cà nam nữ nhân viên và ca sĩ. Không cho bất ai vào thăm đài trừ khi Tr/Tá Giám Đốc báo cho biết trước. Chỉ có thế thôi chứ có đánh đấm gì đâu mà xuất sắc, có lẽ do chúng tôi đứng đắn với phụ nữ và không cho Trung Tướng kiêm Thượng Nghị Sĩ Trần Văn Đôn vào thăm đài vì không có báo trước., ông tướng cùng đoàn tùy tùng hậm hực quay lui. Có thể “xuất sắc” do đẩy lui được 1 cuộc tấn công của VC như báo chí đăng tin. Chuyện này nói ra chắc ông CT bực mình lắm đây, nhưng đã 45 năm qua rồi “hồ sơ mật” nên bật mí. B1 Thủy xạ thủ súng cối chui rào đi chơi, nửa đêm quay về chui rào kẽm gai vào bị lính gác bắn chết. Nghe súng nổ, giám đốc đài phát thanh gọi máy hỏi, bên cục ANQĐ cũng hỏi, bực quá ông CT gắt “VC tấn công”. Tưởng nói cho xong, ai ngờ họ hụ còi báo động. Lỡ trớn, chơi luôn, CT cho hướng súng vào đài và ANQĐ nổ vài tràng “cắc bù”, những tiếng nổ kiểu này đúng là của VC. Sáng hôm sau báo chí Saigon được giám đốc dài dẫn đến quan sát “chiến trường” rồi loan tin:

_ “Đêm qua VC lại tấn công đài phát thanh, nhưng đã bị quân ta đẩy lui, chúng để lại nhiều vết máu và 1 cây K54, bên ta 1 chiến sĩ hy sinh”.

Vết máu là của B1 Thủy, những vỏ đạn AK rơi vãi là vỏ đạn AK cũ mà VC tấn công vào đài phát thanh mấy hôm trước, cây K54 là của CT, ông đưa ra cho các phóng viên xem.

Ngày 11/3 TĐ.2 di chuyển xuống Vùng 4, đóng quân tại Rạch Ngỗng, ngoại ô Cần Thơ rồi hành quân vùng phi trường Trà Nóc, Thuận Nhân. Trở lại Vĩnh Long, hành quân Giáo Đức, hành quân với Mỹ, hành quân Giồng Trôm, tiếp viện cho Trung Đoàn 10/SĐ.7.

Ngày 4/5 di chuyển cấp tốc về Saigon tham dự MT đợt 2 kể từ ngày 5/5. TĐ.2 đổ quân xuống ngã tư Minh Phụng-Hậu Giang, Phú Định Chợ Lớn.

Ngày 6/5: ĐĐ.1 và 4 di chuyền về Gò Vấp, hành quân vùng Lê Quang Định, chùa Dược Sư, rạp cine’ Đông Nhì, VC chết nhiều. CT ra lệnh kéo xác VC tập trung vào sân villa của một Th.Tá/KQ, vì ông này không muốn cho đặt súng đại liên trên tầng thượng nhà lầu của ông.

Ngày 8/5: ĐĐ.2/TĐ.2 của Đệ Đức tại đường Hậu Giang, Chợ Lớn bị VC bao vây tấn công, ĐĐ.1 và ĐĐ.4 từ Gò Vấp cấp tốc quay lại Hậu Giang Phú Định để giải vây cho ĐĐ.2. Sau 3 ngày 2 đêm “kịch chiến”, TĐ.2 đã thanh toán mọi hang ổ VC tại vùng này, kiểm soát an ninh tới Mũi Tàu Phú Lâm. Phải thú thật là 3 ngày này dài như 3 tháng. Thấy B40 bắn bay đầu pháo thủ trên M41 mà rùng mình, Hạ Sĩ Ninh mang máy truyền tin trước ngực cũng bị đạn xuyên qua máy trổ ra sau lưng gục xuống! Gay cấn nhất là CT ra lệnh cho trgđ của tôi phải cứu cho bằng được Chuẩn Úy Hồng của ĐĐ.2 và mấy đệ tử đang bị VC bao vây trong một khu cao ốc mà chung quanh là khu sinh lầy, những nhà sàn cháy, phải bò dưới sình mới vào gần được mục tiêu. Cuối cùng chỉ cứu được Ch/Úy Hồng còn mấy đệ tử của ổng hy sinh. Tôi có nhiều kỷ niệm nhớ đời về trận đánh kéo dài liên tục gần 3 ngày đêm này, thật đáng “đồng tiền bát gạo” khi mang danh Trâu Điên, hãnh diện với Trâu Điên nhưng tốn nhiều máu, mồ hôi và nước mắt.

Tình hình đã yên, các đại đội thuộc TĐ.2 tiếp tục hành quân lục soát, chiếm đóng các điểm quan trọng, riêng ĐĐ.1 lại được ưu ái đóng quân giữ an ninh dọc xa lộ SG-Biên Hòa, cầu Phan Thanh Giản, cầu Saigon, tới ngã ba Giồng Ông Tố, Ciment Hà Tiên. Có lúc vào tới Cát Lái, ấp Phú Hữu v.v.. nhưng tất cả bình yên. Khi đóng quân tại khu vực Ciment Hà Tiên và kho tồn trữ vật liệu Thủ Đức thì bị ông CT kìm kẹp quá, “không nhậu, không lang thang”! Nhưng nhờ vậy mà tránh được chuyện lôi thôi với QC Tư Pháp như đơn vị sau đến thay thế khiến vài chàng gặp nạn phải đi tu huyền.

Ngày 14/9/68: Đụng trận Cầu Khởi.

Sau mấy tháng trời chạy lòng vòng khắp Saigon, từ trung tâm đến ngoại ô, tới trung tuần tháng 9/68, Trâu Điên di chuyển lên Tây Ninh, đóng quân tại ấp Nhà Việt, quận Khiêm Hanh. Không khí trong quận nhộn nhịp, cỏ vẻ chuẩn bị cho một cuộc hành quân lớn, mấy ông già đầu bạc 155 tuổi bị kéo ra gióng hàng phơi nắng. Tối 13/9 CT gọi lên họp:

_ “Lệnh cho ĐĐ.1 nhảy diều hâu, chọn đủ 90 người khỏe mạnh chia làm 3 trung đội, 1 ngày cơm vắt, trang bị nhẹ, sẵn sàng tại bãi bốc lúc 7AM ngày 14/9, về trong ngày”.

LZ là một bãi trống rộng hơn sân đá banh, nằm giữa rừng và đồn điền cao su Vên-Vên, trực thăng đổ quân phía Nam bãi trống gần cây cầu “Cầu Khởi”, nước ngập ngang đầu gối, cỏ và lác cản đường tiến quân, nhưng Trâu không sợ cỏ sợ nước nên ào vào rừng cao su an toàn. CT nhắc các trgđ trưởng định điểm đứng. Ổng thường bất chợt hỏi trung đội: “cho anh xin số nhà”.

Dàn đội hình, di chuyển được chừng 500m thì súng nổ, ba bề “rừng lá thấp” di chuyển ngược chiều bao lấy Trâu Điên. Trong những trận trước, tôi đã thấy VC nằm ngồi đủ kiểu, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nhìn rõ VC chạy lom khom đến, thú thật tôi “lạnh người”.

Liếc mắt nhìn quanh, thấy anh em đang nắm sát sau gốc cây cao su bắn lại, CT và Tây Đô đang di chuyển tới lui khiến tôi an tâm. CT và cố vấn đang “xí xồ”, rồi pháo binh chụp xuống, có lúc cứ tưởng như đạn chụp lên chính mình. Bây giờ tôi mới hiểu “cho anh xin số nhà”, biết mình đứng ở vị trí nào là quan trọng, nhờ đó PB đến đúng lúc và chính xác khiến “rừng cây” khựng lại, cành cây cao su gẫy đổ ụp xuống cũng đủ làm chúng tả tơi.

Có lẽ Đồ Sơn biết được tình trạng nguy kịch của đứa con đi xa nên đã cung cấp thuốc men nhanh chóng và tối đa, sau PB là tới Cobra, rổi B.57. Một phần có lẽ cố vấn nhìn thấy rõ sự an nguy của bản thân nên ông ta gào khiến Cobras, gunships liều mình cứu c..ố vấn.

Khi hỏa lực yểm trợ ngưng thì VC lại tiến tới như cố bám sát, cố “trộn trấu” để sống chung không hòa bình. Nhưng Trâu Điên đếch chơi, ranh giới bạn thù rõ ràng, nằm sau gốc cao su bắn chính xác, “mỗi viên là mỗi quân thù”, đã có lúc phải dùng đến mãng cầu gai.

Trận chiến giằng co, bên ta đã có tử có thương, phải công nhận là nhờ hỏa lực yểm trợ nhanh chóng chính xác và đầy đủ nên Trâu Điên mới lập lại thế quân bình và đứng vững, nhưng vì nhảy diều hâu, trang bị nhẹ, nếu tiếp tục thì e sức Trâu không kham nổi đoạn đường dài.

_ “Tiểu đoàn nhẩy vào tiếp viện”.

CT chỉ thông báo vắn tắt như thế, nhưng như một luồng thuốc hồi sinh, lan nhanh khắp thân thể 90 Nghé Điên ĐĐ.1, tôi thấy họ cười như muốn tiến lên và đúng như thế, một Nghé con của tđ Trung Sĩ Tráng đã vụt chạy lên ôm cây B.40 về, cậu ta làm như sợ mất phần.

Súng đã nổ phía sau lưng địch, CT báo cho biết là ĐĐ.2 của Đệ Đức đang tiến tới để bắt tay với ĐĐ.1. Trung đội đi đầu là Ch/Úy Hồng, anh bảo tôi quan sát kỹ để tránh ngộ nhận. Lại gặp cố nhân, mới mấy tháng trước, tôi đến cứu Hồng ở đường Hậu Giang CL thì lần này Hồng đến cứu tôi trong rừng cao su Vên-Vên.

Súng vẫn nổ, nhưng cường độ giảm dần phía chúng tôi mà rộ lên ở hướng Tiểu Đoàn, hướng ĐĐ.2. Trời chiều trong rừng mau tối, lợi dụng lúc thưa tiếng súng, CT ra lệnh các trung đội bắt tay nhau quây vòng tròn dựa theo gốc cao su mà phòng thủ. Anh nói nhỏ cho tôi biết ĐĐ.2 khó mà bắt tay với chúng tôi, Ch/Úy Hồng tử thương rồi và còn nhiều người khác bị thương nữa, như vậy đêm nay chúng tôi “cô đơn”.

Đúng là TQLC (Hồng) sống hùng sống mạnh nhưng không sống lâu, bao giờ tới phiên tôi? Nhìn mấy Mũ Xanh của tôi sáng nay còn cười nói, trưa nay còn hò hét, giờ đã ngủ yên bên gốc cao su mà lòng tôi bâng khuâng. Khó xử nhất là mấy anh em bị thương mà chưa tải được, trong đó có Ch/Úy Hóa già, ông là TQLC khi tôi còn thò lò mũi. Ông bị bắn vào bẹn, không mất cu, nhưng nó sưng tù zù, “anh hùng đông khái, anh hùng tiêu”, anh Hóa không đái được, kêu quá. CT hối CV xin tải thương thì CV cho biết phải tải thương xong bên TĐ (-) rồi mới tới ĐĐ.1.

Bằng mọi giá phải tải thương, nhưng trong rừng cao su làm sao tìm ra bãi đáp? CT bảo tôi cho người bò ra trảng trống, nơi hồi sáng có VC phục kích dò tình hình an ninh bãi đáp. VC chúng đã bỏ đi, hầm hố còn lại, chuyển dần thương binh ra đó chờ. Trời tối không nhìn rõ người thì trực thăng đến, bốc hết thương binh và CV Mỹ … teo cũng theo trực thăng đi luôn.

Đêm đen như mực, PB vẫn nổ bao quanh, hỏa châu soi sáng, Trâu Điên nằm yên nắm tay nhau phòng thủ đêm theo vòng tròn với mật lệnh và mật hiệu:

_ “Ai đứng, ai đi, ai di chuyển thì bị bắn ngay”.

VC lưỡng đầu thọ.. Trâu Điên, tẩu vi thượng sách nên chúng tôi nằm im nghe tiếng đạp lên lá rừng khô xa dần. Một con “nai vàng ngơ ngác” đi lạc vào chuồng Trâu bị Trung Đội Phó Trgđ 12 là Tr/Sĩ I Trần Sịa cho một dao găm trúng tim không kịp ngáp. Xác VC nằm bên tử thi TQLC như “sống chung hòa bình”. Qua một ngày một đêm lạnh người, có lúc tưởng chừng như bị tràn ngập, chỉ có phép lạ mới đứng vững. Phép lạ ở đây chính là tinh thần quyết chiến và kỷ luật tác chiến của TQLC nói chung và Trâu Điên nói riêng. Sáng hôm sau chúng tôi đã bắt tay được với ĐĐ.2 và cả gia đình nhà Trâu cùng đoàn tu.(cho hình các HSQ đại đội 1. Ghi chú theo thứ tự từ trái sang phải: TS1 Môn, TS1 Tràn Sịa, TS Trần Tráng, Th/Sĩ Cương)

Ngày 17/9/68. Đụng trận Bời Lời

Ba ngày sau trận Cầu Khởi thì TĐ.2 nhẩy trực thăng xuống mật khu Bời Lời, vì ĐĐ.1 vừa bị sứt móng tại Cầu Khởi nên lần này được tiểu đoàn cho nhẩy sau cùng. Đội hình tiểu đoàn ngoài bãi bốc đã sẵn sàng theo thứ tự từ đầu đến đuôi là ĐĐ.4, ĐĐ.2, BCH/TĐ, ĐĐ.3 rồi tới ĐĐ1. Trực thăng đang trên đường đến bốc ĐĐ 4 và 2 thì vị trí này bị mất an ninh, chuồn chuồn không thể xuống được nên tiểu đoàn thay đổi kế hoạch, bốc “cái đuôi” đi trước, thế là ĐĐ.1 lại lên TT trước và nhẩy xuống đầu tiên rồi tới ĐĐ.3.

Hai đại đội 1&3 vừa xuống đến bãi đáp thì đụng mù trời, VC có cả phòng không, bãi đáp không còn dùng được nữa, Tiểu Đoàn (-) không thể tiếp tục đồ quân, thế là 1 và 3 dựa lưng nhau mà chiến đấu suốt ngày đêm cho đến sáng hôm sau. Ngay cả khi tiểu đoàn xuống thì vẫn còn VC chạy trên bãi đáp, sáng rồi mà Hạ Sĩ 1 Thà, mang máy của CT, còn bị tử thương vì B.40. Cowboy Tha của ĐĐP Tây Đô còn bị bắn chết.

Phải nói đây là trận khá nặng, nhưng nhờ có thêm ĐĐ.3 nên tôi bớt “lạnh cẳng” hơn hôm ở Cầu Khởi. Với phạm vi trung đội, tôi không thể nói hết nó nặng như thế nào, chỉ xin kể chuyện thay mấy cố vấn (CV) cũng đủ biết. (thường thì CV đi với TĐP, nhưng trận này TĐP đi học).

Vừa xuống là đụng nặng khiến CV bị “xỉu”, phải tải thương gấp, người CV thứ 2 được thả xuống thay thế thì bị thả lạc vào hướng tuyến VC, không biết sống hay chết hoặc đã bị VC bắt. Đây là vấn đề gay go và rắc rối cho Trâu Điên 1. Đã có nhiều trường hợp chỉ vì xác một phi công Mỹ mà đơn vị đi cứu lãnh hậu quả khó lường, như Bình Giả chẳng hạn. Ở đây lại chính là CV được gửi đến cho đơn vị mình. Không biết CT nhận lệnh từ trên đi cứu CV ra sao, nhưng tôi thấy anh chần chừ, có vẻ như “câu giờ” để suy tính.

Vừa lúc đó Hạ Sĩ 1 Đường, “cận vệ” của CT, dùng ống nhòm phát giác ra dấu hiệu nghi ngờ vị trí CV nằm ở bìa rừng, trước tuyến VC. CT ra lệnh tập trung ngay 9 cây M79 của cả 3 trung đội lại và M60 nữa, tất cả sẽ tác xạ tối đa và liên tục vào tuyến VC và chỉ dùng 2 “cowboy” của đại đội trưởng để đi tìm CV hầu giảm thương vong.

Những cây M79 và M60 “tàn sát” tuyến VC và bảo đảm an toàn cho Đường và Hợi bò lên vị trí nghi ngờ… và thật may mắm, đúng là CV, anh ta đã đưa tay lên vẫy vẫy. Anh ta bị thương, Đường cõng CV chạy về**, Hợi theo sau bảo vệ, các cây M79 vẫn làm việc. CV ướt sũng vì nẳm dưới cỏ và nước, anh ta bị bắn tét nách, toán đi cứu không bị thiệt hại gì, chỉ tốn khá nhiều đạn M79. Dùng đạn Mỹ để cứu CV Mỹ là hợp tình hợp lý để giảm thiểu thiệt hại cho quân ta, tôi chịu lối làm việc này của ông khó tính CT.

CV Mỹ bị thương dĩ nhiên là phải tải thương ngay và một CV thứ 3 xuống thay thế, ông này mang cấp bậc “lá đu đủ”, chinh nhờ Th/tá CV này mà những Cobras làm việc hết mình, yểm trợ sát tuyến rất hiệu hiệu quả. Đêm đó ĐĐ.1 và ĐĐ.3 nằm tại chỗ phòng thủ, trên trời hỏa long và chiếu sáng làm việc, Chiến Đoàn Trưởng Saigon, Tiểu Đoàn Trưởng Đồ Sơn và B3 Lâm Đồng liên tục bay trên mục tiêu để yểm trợ tinh thần và hướng dẫn cho 2 thằng con dưới đất làm việc. Quả thật tiếng nói của cấp chỉ huy rất quan trọng trong lúc đụng trận.
(**Sau thành tích cứu CV này, HS1 Đường được phòng Chính Huấn SĐ/TQLC của Th/Tá Lê Đình Bảo tặng cho 1 xe Honda và được 1huy chương Hoa Kỳ Bronze Star, nhưng rất đau thương là sau đó Đường đã hy sinh trên chiến trường Cămpuchia.)

Ngày 19/9/68: Khoảng 8 giờ sáng ngày hôm sau, mặc dù M16 và AK còn đì đùng, sương mù và khói súng bao phủ LZ, TĐ (-) cũng xuống hết an toàn, vì không còn nghe tiếng súng phòng không như sáng hôm trước. Khoảng 9 giờ thì thấy Đồ Sơn đưa ông Tướng Nhẩy Dù, tổng chỉ huy cuộc hành quân này, đến ngay tuyến ĐĐ.1 để xem xác VC và ủy “nạo” quân ta.

Dọn dẹp chiến trường, tải thương, tải chiến lợi phẩm và tái tiếp tế xong thì “tà tà bóng ngả về Đông”, lệnh cho đóng quân tại chỗ. Vừa trải tuyến xong, đong đưa trên võng với bịch cơm xấy, thịt 3 lát thì ông CT gọi:

_“Cuốn chiếu gấp, di chuyển ngay để B52 trải thảm vùng này”.

Chán vô cùng, mờ mờ tối rồi, càng nản thêm khi CT bắt tôi di chuyển trước tiên, giữ song song với trung đội đầu của ĐĐ.2. Tại sao lại cứ trung đội tôi đi đầu mãi thế này? Nhưng không còn thì giờ cãi, thi hành trước, khiếu nại sau. Mò mẫm trong bóng tối tranh sáng giữa rừng già chừng 300m thì súng nổ bên ĐĐ.2 rồi tới tôi, tiểu đội trưởng đi đầu là Hạ Sĩ Nam báo:

_ B1 Hồng Hải kí-lô, có nhiều hố mới, nhiều dây điện thoại v.v..

Trâu Điên lại bị “trên búa dưới đe” đây rồi, trên búa B52, dưới đe VC, tôi báo mọi việc cho CT xong, việc quan trọng là làm sao kéo được Hải về mà không dính thêm, thời gian như ngừng trôi, đêm lạnh mà mồ hôi trán vã ra, dù CT không hối, ông chẳng bao giờ hối các trung đội trưởng, ưu tiên là hạn chế thương vong. Vừa kéo được xác Hải về thì tôi được lệnh quay lại vị trí phòng thủ lúc ban chiều.

Mừng hết lớn, tôi không biết cấp trên giải quyết vụ B52 thế nào, nhưng được quay về vị trí phòng thủ cũ có sẵn hầm hố là vui rồi, dù có bao nhiêu VC đến tấn công đêm cũng chấp, hơn là phải di chuyển trong bóng tối giữa rừng già mà còn bị VC tấn công thì “chết chắc”.
Kể từ sau trận Bời Lời ngày 19/9/68, Trâu Điên cày tiếp những đâu?

Hành quân Bưng Đỉa, Bình Dương, mật khu Tân Uyên, mật khu Mây Tàu, Bình Tuy. Di chuyển xuống Vùng 4, Hỏa Lựu Chương Thiện, kinh Xáng Cụt, Gò Quao, quận Kiên Hưng, xuống Xẻo Rô, quận Kiên An, đi tới chân núi Tri Tôn, trở lại Rạch Sỏi, Rạch Giá, xuống tàu hành quân dọc theo sông Trèm Trẹm, U Minh Thượng, U Minh Hạ.

Ngày 25/12/68:
Đi Cà Mau, Chương Thiện, đóng quân tại ngã ba Cái Tắc QL4 rồi đi chuyển về Saigon, hậu cứ Thủ Đức, chuẩn bị đón Xuân mới, Tết 1969.
Sau Tết, hành quân Suối Máu, Lò Than, Biên Hòa, đi Trảng Bôm, suối Nước Trong, Long Thành và chính tại nơi đây, ngày 20 tháng 4 năm 1969, tôi từ giã Trâu Điên, từ giã Trung Đội 14/ĐĐ.1/TĐ.2/TQLC., từ giã những người anh em thân thiết nhất của tôi.

Chuyện tôi giã từ Trâu Điên cũng gian nan rắc rối chứ không dễ dàng gì và hoàn toàn do “cái số” chứ chẳng có quái nhân hay thân nhân nào làm lớn bên KQ. Xin tóm tắt như thế này:

Trước đó TQLC phổ biến văn thư cho phép các ch/úy và th/úy được nạp đơn thuyên chuyển về Không Quân vì họ đang cần nhiều sĩ quan, tôi và một số anh em cũng cứ nạp đại rồi mải miết hành quân mà quên đi, cũng đôi lần gọi về khám sức khỏe rồi bỏ đó. Sáng 20/4/69, đang hành quân ở Long Thành thì CT trao cho tôi giấy báo của B1/TĐ gọi về trình diện KQ và anh cho tôi đi phép “miệng” ngay. Không chần chừ, vì từ Long Thành tự túc đón xe đò về Saigon không khó, tôi vọt liền. Khi về đến Saigon, khoảng 3 tiếng đồng hồ sau, thì tôi biết TQLC đã hủy bỏ lệnh cho các sĩ quan TQLC về KQ. Những anh nào hành quân xa, chờ phương tiện, đơn vị cấp phép theo thủ tục, theo hệ thống quân giai, cấp chỉ huy chần chừ là coi như “xôi hỏng bỏng không”, vì thế đại đa số những người làm đơn như tôi đều lọt sổ, chỉ có một mình tôi (hình như có một người khác nữa) là lỡ đi trước lệnh thu hồi thì …cho đi luôn. Tôi biết hậu quả việc CT cho phép “miệng” tôi đi ngay là không tránh khỏi bị rầy rà.

Hăm hở xin về với TQLC chưa được bao lâu lại vội vàng xin rời màu áo Rằn Ri quả thật lòng tôi áy náy vô cùng, đôi khi mang tâm trạng “phản bội” người tình lý tưởng. Nhưng thực tế có những lý do dù lòng không muốn nhưng chân vẫn bước đi. Chỉ trong vòng 16 tháng với Trâu Điên mà tôi trải qua những giờ phút nghẹt thở, chứng kiến những người anh em ra đi quá nhanh và không toàn thây, ranh giới tử sinh của TQLC chỉ cách một đường tơ và tôi đã nhiều lần được nằm bên ranh giới sự sống. Chỉ trong vòng một năm mà tôi được tham dự những trận đánh ngoài sức tưởng tượng của tôi như trận Cái Thia, trận Mậu Thân ờ Saigon, trần Cầu Khởi-Bời Lời, cả 3 trận này hiệu kỳ của TĐ.2/TQLC đều được tuyên dương công trạng trước Quân Đội.

Xin các anh em Trung Đội 14/ĐĐ.1 nói riêng và Trâu Điên nói chung, thông cảm cho việc tôi đã “sang ngang”. Về KQ, làm việc với KQ tôi mới thấy sự khác biệt giữa 2 nơi khiến tôi càng cảm phục sự hy sinh quá mức của anh em trong Binh Chủng Tồng Trừ Bị như TQLC. Các anh đi khắp mọi miền đất nước, cụ thề là cá nhân tôi chỉ trong vòng một thời gian ngắn mà tôi đi hành quân quá nhiều địa danh, nếu không ghi nhật ký hành quân thì không sao nhớ hết. Các anh đi nhiều, hy sinh nhiều, nhưng quyền lợi chẳng bao nhiêu, nói thẳng là các anh chẳng có gì ngoài tiền lương tháng chỉ đủ tiêu 1 tuần, gia dình vợ con ở nhà tự mưu sinh. Ngay cả những quyền lợi chính đáng được quy định của BTTM cho một quân nhân là “đi phép” mà vẫn bị cắt đầu trừ đuôi với đủ những lý do linh tinh mà lính hiểu thì .. “chết liền”. Một quân nhân có phép “vo de” vẫn bị chờ sau chuyến hành quân và trong chuyến hành quân ấy anh đã “đi phép vĩnh viễn” là những trường hợp rất thường thấy.

Không cần so sành nhiều, chỉ việc đi phép thôi, tôi cũng đã phục sức chịu đựng của các anh rồi. Nhưng trên hết, vì nhiệm vụ của một quân nhân tổng trừ bị, vì màu áo binh chủng, vì tình đồng đội mà các anh không quan tâm tới gì khác. Tôi đã không làm được như các anh, xin mượn dòng nhật ký hành quân này để đứng nghiêm chào và kính phục tất cả các Cọp Biển “thnh tâm thường an lạc”

Cựu Trâu Điên
Vị Quang Hoàng.
 

 


MỤC LỤC

Lá thư Sóng Thần

ĐH TQLC tại Dallas

Sinh hoạt hội Houston

Sinh hoạt hội Iowa

Sinh hoạt hội Nam Cali

Sinh hoạt Úc Châu

Sinh hoạt hội Washington

40 năm - Một thời chinh chiến

471 của tôi, Đại đội C của tôi

Phương Nam : Ánh sao nơi cuối Trời

Chiến Đoàn A TQLC và trận Đức Cơ

Dây biểu chương

Bạn già

Danh sách cha con, anh em ruột cùng phục vụ trong binh chủng TQLCVN

Chiến thắng đầu Xuân

Chuyện lá cờ

Chuyện những người thích nổi

Đặc khu Rừng Sát… và những ngày sau cùng

ĐĐ4/TĐ2/TQLC Tiêu diệt CX thuộc TĐ Tăng 202

Đám cưới nhà binh

Dấu chân người lính Pháo Thủ MX

Định mệnh

Đón xuân này, nhớ xuân xưa

Dòng sông tuổi nhỏ

Hai lần khoác áo TQLC

Hành trình tìm tự do

Huyền thoại chiền sĩ Mũ Xanh

Ký ức người pháo thủ Lôi Hỏa

Lao tù và vượt ngục

Một thời để yêu, một thời để nhớ

Người lính Mũ Xanh và Bé dấu yêu Trưng Vương

Tháng Tư aa trường

Người linh tiền phong

Người bạn thủy chung

Nhật ký hành quân Trung Đội

Nhảy vào Triệu Phong

Trung Đội 2/TĐ7 & những ngày cuối cùng

471 của tôi, Đại đội Viễn Thám C của tôi

Pháo Đội A/TQLC Chiến Trận Hè 1972

Quận Trưởng Triệu Phong

Tàn bạo, lừa bịp , khoác lác là bản chất CSVN

Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh

Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh

Tiểu Đoàn 2 và những biến cố chính trị

Thăm quê

Tiểu Đoàn 3, cuộc hành quân Toàn Thắng 1969

Trại Thanh Cầm và dòng sông  Mã

Trốn vượt biên

Trung Đội 2, Đại Đội 2, Tiểu Đoàn 7/TQLC

Trước Sau Như Một!

Vui buồn đời lính