Bạn già.

 Đông Vân Nguyễn văn Dõng.

- Thấy vợ con người ta mà ham!
- Ê, nói năng cẩn thận tí nghe bố, không phải ỷ già rồi muốn nói sao thì nói, lạng quạng bọn trẻ nó nghe được nó bảo mình già dịch.
- Ừ, thì mình cũng có “dịch” thật, dù dịch ít hơn xưa. Nhưng nói thật mầy nghe, dạo sau nầy bà nhà tao đổi tánh ghê quá, đôi khi tao phải bỏ nhà đi vòng vòng ngoài vườn, ngoài phố cho nó thoáng cái đầu.
- Mầy làm như có một mình bả đổi, còn mầy thì lúc nào cũng trơ trơ cùng tuế nguyệt!
- Không phải vậy, bả tự nhiên trở nên kỳ cục, hồi nào tới giờ có khi nào bả ghen tương gì đâu, dù bóng gió, mấy mươi năm rồi lúc nào cũng hoà hợp hòa giải hết sức vui vẻ, mầy cũng biết tính tao. Tao muốn đi đâu, lúc nào thì cứ đi, bây giờ gần đất xa trời tự dưng bả lại kiếm chuyện. Mỗi lần tao ra Connexion xem máy móc là bả cằn nhằn cử nhử “Đi đâu đi hoài, ở nhà một chút có được không...” Bực cả cái mình.
- Bực mình rồi mầy có cự bả không?
- Lúc đầu thì không, nhưng thét rồi phải cự.
- Tội nghiệp bà già.
- Tội cái quái gì, mầy chưa lâm cảnh chưa biết...
- Tại mầy không hay, không biết chớ bà nhà tao cũng như bà nhà mầy, và bà nhà mầy thì cũng như thiên hạ thôi. Chả có gì mới lạ dưới ánh mặt trời, chỉ có tao là không như mầy, chẳng bao giờ tao cự nự cả. Không phải tao không “nhạy cảm”, mà cũng bực mình lắm chớ, đôi khi “muốn kêu một tiếng cho dài kẻo câm”, nhưng tao hiểu rằng là mấy bà thuộc giai cấp “cổ lai hy” đều mắc phải cái bịnh lo, bịnh sợ. Họ sợ những bất trắc đang rình rập họ, nào tai nạn, nào bịnh tật, nào chết chóc... Họ sợ có chuyện gì không ai giúp đỡ, tóm lại họ sợ cô đơn. Mầy cũng còn may là bả chưa nuôi chó, nuôi mèo để thế mầy hủ hỉ cho đỡ buồn.
- Thì đồng ý, nhưng đi một chút cũng không xong thì chẳng lẽ tao phải ngồi ở đầu giường canh bả hay sao? Tao vẫn phục cái tài tỉnh bơ của mầy, tao thì rất dễ xì-nẹt.
- Thì ai lại chẳng xì-nẹt, nhưng phải biết “làm chủ” mấy sợi dây thần kinh của mình, thế thôi. Thú thật với mầy tao không bao giờ lên giọng với bà xã, cũng chẳng khi nào cằn nhằn cử nhử gì hết. Khi có chuyện không bằng lòng làm tao xì-nẹt thì tao đi chỗ khác chơi, cắn chặt hai hàm răng lại, không cho cái “lưỡi rắn” nó thò lò ra lải nhải gì hết. Khi nào trời yên biển lặng tao sẽ đi đường lưỡi sau. Vậy là vui vẻ cả nhà và vui vẻ dài dài, có gì khó đâu. La hét ngay tại chỗ chỉ mất hòa khí, chẳng ích lợi gì. Những cái sứt mẻ tí ti đó lâu ngày tụ lại thành bể nát.
- Biết vậy nhưng không nhịn được...
- Mầy nói chuyện ngộ thiệt, biết vậy mà không chịu nhịn là sao?
- Không phải ai cũng làm như mầy được. Tụi tao đều biết mầy không giống ai. Mấy thằng chưa biết mầy, nghe nói vợ chồng mầy không bao giờ cãi nhau, tụi nó đếch tin và cho là mầy “pas normal”.
- Tụi nó nói có khi đúng, ở đời cái gì mà có nhiều người nghe, nhiều người làm thì cái đó đúng “tiêu chuẩn” của một sự việc “bình thường”. Còn cái thật sự phải là chuyện bình thường nhưng vì chẳng có mấy người “chấp nhận được” thì nó trở thành chuyện không bình thường. Đó cũng chính là cái cốt lõi của thể chế dân chủ: đa số có lý, đa số thắng. Nhờ vậy nên cái đám “ái nam ái nữ” mới được công nhận “cưới hỏi” ăn ở với nhau như những kẻ bình thường. Văn minh thời đại có những chuyện nghịch thiên không ngửi được. Đúng là cái lưỡi không xương, đến cả tình ái, cái dài cái vuông mà nó cũng vo tròn bớp méo được.
- Sẵn đây tao hỏi mầy luôn, mầy làm sao mà nhịn hay vậy?
- Chẳng có gì khó hết, tao đặt mọi việc trên căn bản tình yêu, nếu mầy thật tâm thương yêu bà xã thì phải luôn nhớ điều đó để không bao giờ nói lời xúc phạm đến tình yêu kia. Trong tình yêu còn có sự kính trọng nhau, nếu mầy ý thức đúng mức điều nầy thì mầy sẽ chẳng bao giờ xài xể người mầy đã từng quì gối ôm chân bắt giò, thở dài thườn thượt, xuống sáu câu ai oán ỉ ôi nào là “đài gương soi đến dấu bèo cho chăng”..., theo đuổi trong hồi hộp, lo âu, sầu khổ, ăn không ngon, ngủ không nhắm mắt... Có thằng bạn bảo tao là nó thương vợ lắm, xem bả như, hoặc hơn cả bản thân... Có lẽ chính vì xem bả như thế, nó quên rằng bả là một người bạn đường xa, nên nó rầy rà, nạt nộ vợ nó như kẻ ăn người ở trong nhà! Thương vợ kiểu vô ý thức bất bình đẳng đó thì tao xin can mầy nhé.
- Nghe mầy nói sao dễ quá...
- Thật ra thì chẳng dễ cũng chẳng khó, chỉ có chịu khó suy nghĩ và luyện tập. Chí công mài sắt có ngày nên kim. Tao đã suy nghĩ từ thuở vừa lớn khôn, và tao cũng đã sớm hiểu câu văn ôn võ luyện. Không có gì mà ngày trước ngày sau là đạt được. Đặc biệt cái hạnh phúc gia đình, hay cái hạnh phúc tout court, nó đòi hỏi biết mình, hiểu đời, phải biết cách thương vợ, thương con. Ừ, đến việc yêu thương ngoài những “kiểu”, còn phải biết “cách” nữa, chớ không phải muốn yêu thế nào thì yêu. Mà muốn biết được cái “kiểu cách” đó mầy phải hiểu “đối tượng”, tức phải “biết người biết ta”. Cũng như bất cứ chuyện gì, muốn biết thì phải chịu khó bỏ công quan sát, suy nghĩ. Chỉ có vậy thôi, có gì rắc rối đâu. Cái rắc rối chính là chuyện “đối tượng” không chịu biết, không chịu hiểu như mình. Mà ở đời khi bánh ít đi mà bánh qui không lại thì chuyện cơm không lành canh không ngọt gần như là hậu quả đương nhiên, khó lòng tránh khỏi, bởi vì sức người có hạn, nhường nhịn nhau cũng chỉ tới chừng mực nào đó thôi. Nghĩ cho cùng thì “vạn sự khởi đầu nan”, thưở ban đầu chỉ biết có cái đẹp... sau đó đa số đều gặp phải lắm vấn đề đôi khi nan giải phải đi tới tan vỡ. Họ không nghĩ rằng thường tình những người trời cho đẹp lại hay nông cạn chỉ vì phải lo chăm sóc cái đẹp bên ngoài nhiều hơn cái tâm của họ.
- Mầy triết lý kinh bỏ mẹ! Làm thế quái nào mà biết được ai châm lo cái tâm? Châm lo cái sắc thì lộ liễu dễ biết và dễ lôi cuốn hơn. Một người không đẹp mầy lấy gì bảo đảm tâm họ đẹp, và ngược lại?
- Ai bảo đảm được chuyện đó cho mầy? Chỉ có mầy ráng mở to mắt ra mà quan sát, suy nghĩ. Mầy quên câu “xấu đẹp tùy người đối diện” rồi à? Mầy nên nhớ rằng cái tâm không dễ gì bị tàn phá, chớ cái đẹp nó như sương như khói vậy. Chẳng lẽ mầy không hiểu chuyện đó? Mầy cũng phải biết rằng muốn hiểu được cái tâm của đối tượng thì phải dày công theo dõi. Cái trò quen nhau trong thời gian ngắn, mê tít thò lò rồi lo cưới hỏi ngay kẻo trể thường rất dễ chết. Vả lại ông bà đã dặn “dạy vợ từ thưở ban sơ mới về”. Chờ đến lúc cổ lai hi thì chẳng còn gì để nói nữa.
- Vậy bây giờ mầy bảo tao phải chịu trận cho tới chết à?
- Bộ mầy tính bỏ bả vô viện dưỡng lão cho rảnh nợ hay sao?
- Đôi khi bực quá tao cũng có ý nghĩ đó. Không thì chính tao vô...
- Nầy, tao nói cho mầy biết, làm như vậy là bất nhân, bất nghĩa đó nghe.
- Tại sao vậy?
- Không những bất nhân bất nghĩa mà còn bất xứng nữa. Mầy đã cưới bả chớ bả có cưới mầy đâu! Nhờ bả mầy mới có một quãng thời gian sướng đời, hạnh phúc. Những lúc mầy xa nhà vì chiến cuộc, rồi vì học tập cải tạo, ai lo cho đàn con? Ai lo thăm nuôi mầy đói khổ trong lao tù? Ai sầu ai khổ trong cô đơn? Bây giờ mầy định phủi tay quên hết tình nghĩa ấy ư? Tao nói cho mầy nghe, đây chính là lúc mầy đền ơn đáp nghĩa người mầy từng yêu thương và cũng từng, cũng vẫn yêu thương mầy dù nay có chút khó tánh vì tuổi tác. Tao thấy cũng cần nhắc mầy một chuyện, ngoài tình yêu lứa đôi, mầy nên “đính kèm” tình thương thân phận làm người, rồi mầy sẽ hiểu ra mọi việc dễ dàng hơn. Tao có cảm tưởng đã đòi hỏi mầy quá nhiều. Giờ chỉ cần khuyên mầy ăn ở sao cho đáng mặt “anh hùng”, thế thôi.

Ngồi nghe hai ông bạn già “già mồm” với nhau cũng học được vài điều hay hay.
Có những bạn già nghĩ cũng đáng thương. Già rồi nên sinh ra lẩm cẩm, lại dễ xì nẹt. Có bạn già bực bội vì thế sự đã làm lỡ mất công danh sự nghiệp, đã đến cuối cuộc đời mà vẫn trắng tay, rồi sinh ra cáu kỉnh với vợ con, làm gia đình mất vui vì chuyện không đâu, chỉ vì họ thiếu suy nghĩ chín chắn. Bá nhân bá tánh, biết sao.
Thật ra thì có mấy ai chịu hiểu rằng hạnh phúc gia đình trên hết mọi công danh. Trên tiên cảnh, thiên đàng chỉ có hạnh phúc chớ đâu có công danh. Danh lợi như củ cà-rốt ông phu xe treo trước đầu lừa. Tội nghiệp con lừa bị lừa ra sức kéo xe chạy suốt khoảng đường dài, đôi mắt dán chặt vào mục tiêu, há hốc mồm nước dãi chảy ròng ròng, quên cả thiên nhiên đẹp quanh mình, đưa lão phu xe tới đích rồi mà mục tiêu vẫn còn trong gang tấc.

Những kẻ phàm phu tục tử chỉ thấy hạnh phúc khi họ được công danh. Trong gia đình chẳng ai trọng ai, họ chẳng cần. Con cái có lêu lổng cũng mặc, khôn nhờ, dại chịu, họ chỉ biết lo cho bản thân họ, họ chẳng biết trách nhiệm là cái chi, sẵn sàng hạ mình, dù có phải “đội quần”, để được công danh.

Ba mươi năm sống giữa khu bình dân gồm trên ba mươi sắc dân tứ xứ, quan sát họ quanh năm, đâm ra ngán ngẩm. Tuyệt đại đa số là dân tha phương cầu thực. Nay có chút tiền, nên cũng lên xe (cũ) bóng loáng, cũng ăn diện (áo quần Babou) lòe loẹt như ai, nhưng cung cách thật là khiếp đảm, ngôn ngữ thì nghe điếc ráy luôn. Để quên đi cái quá khứ nghèo hèn, họ chọn lấy một cung cách trái ngược: tự cao, phách lối. Trong môi trường đó làm sao tìm được hai chữ hạnh phúc? Họa chăng chỉ có những thoả mãn nhứt thời, thế thôi. Đúng là đời sống của sinh vật. Nghĩ cho cùng thấy họ thật đáng thương, không được dạy dỗ, học hành họ làm sao hiểu được gì hơn ngoài manh áo miếng cơm.
Nói vậy chứ ngay cả trong số khoa bảng có lắm kẻ cũng chẳng khá hơn bao nhiêu, họ sẵn sàng khom lưng, cúi mặt trước cường địch ngày nào chỉ để được ăn ngon mặc đẹp. Muốn cho con cái họ sau nầy thoát ra khỏi cảnh sống sinh vật đó chỉ có cách giúp chúng nó học hành để chúng nó biết suy nghĩ, nhận ra con đường nào phải theo. Không làm được chuyện đó thì mầm mống loạn lạc vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng khổ nỗi, khi nhìn bộ giáo dục xứ Phú Lang Sa nầy, cũng như nhiều xứ văn minh khác, chỉ chú trọng việc đào tạo chuyên viên, hoàn toàn bỏ ngoài chuyện dạy luân thường, đạo lý.

Vừa mới đây nhân vụ ông lớn của FMI, có nhà báo hỏi một nhân vật trong chính phủ rằng có nên “đạo đức hóa” chính trị hay không, thì ông ta nhanh nhẩu trả lời: “La morale limite notre liberté”. Luân thường đạo lý giới hạn quyền tự do của chúng ta! Còn gì để nói nữa không? Những chuyện nhiễu nhương, trộm cướp, đốt phá... khắp các khu “nhà lá” từ Paris xuống Marseille là hậu quả tất yếu của một nền giáo dục phi luân lý nhưng nhuộm màu sắc chính trị mị dân.

Ai cũng nhìn thấy và ca ngợi tư cách của người dân Nhựt trong lần động đất vừa qua, nhưng không một ai đủ can đảm nghĩ đến chuyện theo gương. Ông kia nói đâu có sai: “luân thường đạo lý cấm đoán chúng ta không được tự do làm điều xằng bậy... Không làm được điều xằng bậy đời sẽ mất vui! Chuyện ông lớn FMI làm bậy ở Nửu Ước, và ở nhiều nơi trên đất Pháp, chỉ là một trong nhiều chuyện hấp dẫn mà chưa ai biết hết đó thôi. Vừa mới đây, cựu tổng thống J. Chirac ra tòa lãnh án 2 năm tù treo về tội “lường gạt, biển thủ công quỹ, lạm dụng quyền thế” !... Toàn là những chuyện vô tiền khoáng hậu. Những bậc “cha mẹ dân” của một quốc gia văn minh như Pháp mà còn ăn ở như vậy thì trách ai khác bây giờ?
Đời chỉ vui khi ta được quyền làm bậy!

Hình như đó là một phần định nghĩa của hai chữ tự do ở Châu Âu. Có nhiều chuyện nghĩ tức cười, cởi truồng trên baãi biển cho mọi người ngắm, dù rằng đôi khi cặp vú muớp dài tới rún, da nhăn nheo, nhưng đó là tự do, là văn minh, ở truồng trong rừng rậm là... rừng rú, man ri mọi rợ!
Có một ông bạn già làm thơ nhớ thời son trẻ, nay đã về chiều hối hả ôn lại ngày qua, tìm đường vào cõi tịnh, chuẩn bị cho một ngày “hồn phi phách tán” vào cõi thần tiên...

Nghe chim hót tang bồng rũ áo
Chút bụi trần gạt nốt, chân như...

Rừng phong lặng gió như chờ đón
Lạc bước thinh không hết bụi trần.
(Một cỏi hư vô)

Thâm tâm, hảo ý là vậy mà hình thức lại không phải vậy, vì khi nhìn kỹ những gì bạn già làm thì phần muốn “siêu thoát” bị phần muốn “ghi danh hậu thế” lấn át mất. Khi nhìn tấm ảnh của bạn già lại càng thấy bạn không có vẻ gì muốn lánh mặt cuộc đời nầy cả, trái lại bạn vẫn còn tràn đầy nhựa sống, rất phong độ, rất hợp thời trang từ xiêm y đến đầu tóc. Niềm yêu đời vẫn còn rành rành trên khóe mắt, nụ cười, dù chỉ một bước nữa là đạt thành bát thập tướng quân. Mục tiêu của người tìm vào cỏi tịnh có khác chi mấy với mục đích của kẻ tu hành : thoát tục? Muốn thoát tục phải diệt dục, nếu vẫn cứ dính dấp với dục, loanh quanh trong những cái tục thì mần răng mà thoát trần được. Thiên hạ đã chẳng gọi là “trần tục” hay sao? Khi tâm chưa tịnh thì chưa thể vào thiền. Ví như con ruồi mắc lưới nhện, càng cựa quậy càng bị siết chặc và cuối cùng bị “nhền nhện làm thịt”. Được vậy cũng sướng đời - như lão Trư Bác Gíái xưa kia cả ngày cứ trốn Thầy đi tìm “ổ nhện”. Nhưng thôi, chuyện muốn thật hay muốn giả vờ của những nghệ sĩ khó ai biết được, bởi vì mấy ông thi sĩ, nghệ sĩ nổi hứng bất tử để rồi ngay sau đó chẳng còn nhớ tới những cuộc tình tục lảng mạn của họ nữa; dù sao thì mấy ổng cũng để lại cho đời những dòng thơ, tiếng nhạc hay. Không thành công thoát tục thì cũng thành danh, chẳng mất mát gì cả. Nói nhỏ mà nghe : thành danh vẫn hơn thoát tục. Thường tình thì ai cũng muốn vừa thoát tục vừa để lại chút danh gì với núi sông.
Tuy nhiên, khi đặt mấy vần thơ ướt át vào bối cảnh của một người vong quốc đã từng có trọng trách trong xã hội, khi tình dân tộc, nợ nước non vẫn còn mê mê ra đó chờ đợi mọi người, thì mấy vần thơ của bạn già nghe ra có cái gì lạc vận, hư vị đăng đắng đúng như cụ Nguyễn Du đã than :

Rằng hay thì thật là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào.

Có khi còn bị hiểu là “thi sĩ bất tri vong quốc hận”. Bạn già đã nhịn nhục trở về thăm lại chốn xưa, những chốn xưa, nhưng chỉ để “nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa”, mơ màng những hình ảnh thân thương của thời son trẻ yêu đương mùi mẫn, chỉ để tìm lại những cảm xúc của một thời hạnh phúc đã vuột khỏi tầm tay, tất cả chỉ nhằm tìm cảm hứng cho nguồn thơ để đời...

Chốn xưa tìm lại tàn hương cũ
Gói ghém thương vào một tứ thơ...
(Hà Nội thành đô)

Bạn già đáng được một lời khen : làm sao lại có thể không thấy được - dù có nhắm mắt - những cảnh đau lòng mà cả dân tộc đang chịu đựng để đũ hứng viết thơ tình? Phải chi bên cạnh những dòng thơ chứa chan tình cảm đó, bạn già cũng có (hay sẽ có, mong thay!) mấy vần cảm xúc trước cảnh khốn cùn của muôn dân để đời sau biết đến thì thật vẹn toàn, hay biết mấy. Hay là bạn già nghĩ rằng như thế sẽ làm “ô nhiểm” tập thơ tình, làm rối rấm tâm tư đang cần yên tỉnh tìm vào cỏi tịnh? Kể cũng lạ ông bạn già của tôi muốn tìm vào thiền, vào tịnh mà cứ tiếp tục quanh quẩn trong cỏi tình thì mần răng mà thấy đường vào cỏi tịnh. Đức Phật đã dạy rồi, tình là bễ khổ, con người chỉ có trầm luân trong đó thôi, chẳng khác nào thuyền nhân bị chìm xuồng giữa Thái Bình dương biết đâu là bến bờ để bơi vào; vả lại một khi đã trầm mình vào đó rồi thì còn hơi sức đâu nữa mà bơi với lội. Tôi cũng rất thích thơ với thẩn, nhưng khi nghĩ đến người xưa, lại nhớ tới quê nhà, thế là hình ảnh của Bác lấn át hết cả, nàng thơ hoảng sợ nắm tay người xưa chạy mất, làm cụt hứng ngay, chẳng còn thơ văn đâu nữa, chỉ còn cái cốt nhà binh của một “cọp biển”: chỉ muốn xé xác lũ tam vô buôn dân bán nước. Bạn bè trách tôi thù dai. Đúng, tôi thù VC rất dai, đầu thai luôn mấy kiếp vẫn cứ thù, không bỏ được. Chúa Phật có vì thế mà phạt tôi vào địa ngục cũng chả sao, đã từng “kinh” qua trường cải tạo rồi, cũng vậy thôi, không ngán. Không làm sao tôi có thể “hòa hợp” được với lũ yêu ma đó; thật ra trong hoàn cảnh hôm nay, nói tới hoà hợp hòa giải với việt cộng thì chỉ có hai hạng người : hạng ngu như bò và hạng ngu hơn bò. Gia đình anh em con cháu đều kẹt lại quê nhà, nhưng tôi nhứt định không về thăm. Bà chị tôi lúc hấp hối thì thào trong điện thoại lời vĩnh biệt và có ý muốn tôi về thăm, tôi cố giữ bình tỉnh trả lời chị rằng tôi rất đau lòng nhưng tôi không làm sao có thể “hạ mình”, nhịn “nhục” xin chúng nó cho phép tôi trở về nhà của tôi thăm chị một lần cuối. Xin chị hiểu cho và miển chấp.

Những chuyện tình cảm không thiếu đề tài phù hợp với tình cảnh của chúng ta, như chuyện “Rừng khóc giữa mùa xuân”, đọc rơi nước mắt và đời sau sẽ thấu hiểu tình cảnh mà cả dân tộc đã hứng chịu dưới sự tàn bạo dã man của cộng phỉ Bắc Việt. Ba thập niên hay ba thế kỷ nào phải là thời gian đũ để chúng ta cho mọi tội lỗi của cộng phỉ, của những kẻ phản bội... đi vào quá khứ để yên tâm an hưởng, phủi tay rảnh nợ nước non và để yên cho những tên phản bội bán nước mỉm cười nơi chín suối? Nghĩa tử nghĩa tận chỉ áp dụng vào trường hợp người dân thường lamda. Đối với những kẻ đã “ghi danh sử sách” thì không có nghĩa tận được, ngàn đời sau thế gian vẫn nhắc nhở, phán xét họ. Bảo rằng nên tôn trọng một xác chết không còn biện bạch được là... dốt, là ngụy biện. Ngày nào lũ buôn dân bán nước còn đó, dân tộc còn thống khổ, ngày đó người “trí thức” vẫn còn món nợ nặng nề trên hai vai không thể chối bỏ, lo thân. Tôi chẳng trách bạn già viết thơ tình cảm riêng tư, mà trách bạn già sao chỉ viết có thế. Ngòi bút cũng là một vũ khí lợi hại để đánh đổ chế độ phi nhân. Đâu phải ai cầm bút là cũng viết lách được ; những ai có biệt tài mà không có tí trách nhiệm thì thật là phí biết bao. Trên trận tuyến hải ngoại chống cộng sản Bắc Việt, những trí thức, những nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà báo... là những chiến sĩ hàng đầu duy nhứt có khả năng đánh những đòn chí tử vào yếu huyệt của cường địch dù nghìn trùng xa cách, nở nào lại chỉ có làm thơ ca ngợi hay luyến tiếc những cuộc tình riêng tư không thôi sao? Ngoài trọng trách chứng tỏ cho hậu thế thấy rằng văn học lưu vong vẫn hơn xa văn chương của lũ cộng phỉ dốt nát,dối trá trong nước, trí thức, nghệ sĩ hải ngoại còn phải ghi lại những mẫu chuyện nghịch lý, những mảnh đời tan vở đau thương vì bọn cộng nô Bắc Việt như là những chứng tích để hậu thế biết rõ tội ác của chúng và hiểu thế nào là cộng sản để không bao giờ tái phạm lỗi lầm hôm nay. Ghi lại những chiến tích oai hùng của quân dân miền Nam đã từng đánh đuổi lũ “chó cắn trộm” cộng nô tả tơi manh giáp trong ngày Tết Mậu Thân và Mùa hè đỏ lửa để hậu thế không bị tuyên truyền đầu độc của bọn phản chiến rằng chỉ có “Mỹ đánh giặc” ở Việt nam...

Nói vậy chứ cũng còn có những kẻ đã từng ở trong hàng ngủ chúng ta, từng bị thân bại danh liệt, tàn gia bại sản, nay thoát được ra ngoài tưởng đã hồi sinh sáng mắt; thế nhưng sau mấy thập niên ăn no ngủ kỹ một số bổng dưng nổi hứng lớn tiếng ồn ào rằng họ biết ơn cộng phỉ có công thống nhứt đất nước (Trời đất!? Phải kêu trời mới được), hay rêu rao hòa hợp với lũ cướp của giết người! Lại còn lớn tiếng chê bai thiên hạ chống cộng “thấp” chỉ vì những người nầy đã lấy lá cờ máu của cộng phỉ bịt khu, che mông ! Vậy là khi muốn chống cộng “ cao” phải đội lá cờ máu trên đầu sau đó muốn chống gì mặc tình? Tôi chẳng biết có cách chống cộng nào gọi là “cao”? Có thể như thế nầy: các nhà trí thức đó họ chỉ chống cộng bằng ngòi bút, bằng mồm nhưng trong cung cách “cao”, nghĩa là chỉ nói xa nói gần, né tránh trực tiếp kể tội ác đích danh lũ buôn dân bán nước. Họ chỉ trích nhẹ nhàng đến độ người bị chỉ trích cũng không biết mình bị xài xể; và thiên hạ cũng chẳng biết là họ chống cộng, phải chờ họ giải thích rằng khi họ viết thế nầy, nói thế kia là họ có “ẩn ý” chống cộng. Hay là họ cung kính dâng kiến nghị lên giặc cộng yêu cầu chúng tự sát để cho dân sống? Vậy là vui vẻ cả đôi bên, khi cần về nước du hí người chống cộng “cao” không sợ bị các đồng chí làm khó dễ. Họ chỉ có bổn phận không theo giặc cộng, chứ có ai buộc họ phải chống cộng đâu. Họ cứ yên tâm viết văn, làm thơ, nghiên cứu bất cứ gì họ thich. Chuyện gì phải mặc cảm. Nếu có mặc cảm chăng là vì trước 75 họ cũng đã từng chống cộng “cao” như thế : họ tìm đũ mọi cách để phục vụ ở hậu phương, nếu “trốn lính” được càng hay. Thế mới biết cái ngu si, hèn hạ của con người nó vô biên như vũ trụ. Thật ra thì dân trí của phe ta, dù ở cấp nào đi chăng nữa, cũng chưa cao. Dù biết thượng cấp, anh em phe ta làm bậy, nhưng cũng cứ đứng sau lưng ủng hộ! Phe ta xem tự ái to hơn Thái sơn nhiều. Trái lại hai tiếng phục thiện nhỏ tí xíu. Vả lại vào thời đại nguyên tử, lằn ranh thiện-ác đã mờ mịt: gian ác như Hồ tặc vẫn có lắm kẻ tôn thờ, Thiên Chúa vẫn bị người xỉ vã...

Từ kế kỷ 19, 20 những Marx, Engels, Lénine, Martov, Troski, Plekhanov... đều bị lưu đày hay di tản ra hải ngoại, nhưng họ đã không ngớt dùng ngòi bút và tâm trí để khơi động cuộc cách mạng làm thay đổi bộ mặt của thế giới. Marx chẳng biết làm thơ như Sosso (tục danh của Staline, một bút hiệu thường dùng trong nhiều bút hiệu của Djougachvili), chỉ biết triết lý và cách mạng ; trong lúc Engels vừa là triết gia vừa là một nhà tư bản chủ nhân một xưởng dệt đồ sộ trên đất Anh. Nhờ giàu có nên Engels gần như cấp dưởng Marx và vợ con suốt đời để cuối cùng cả hai gầy dựng nên thuyết mát-xít làm phương châm chỉ đường cho giới công nhân thế giới làm loạn. Đầu năm 1848, thợ thuyền nổi dậy ở Paris; vua Louis Philippe phải từ bỏ ngai vàng. Phe làm loạn buộc chính phủ phải bỏ hai màu xanh trắng của quốc kỳ, chỉ giữ lại một màu đỏ, nhưng ngoại trưởng Lamartine dứt khoát không chấp nhận lá cờ màu máu, ông bảo đó là cờ của đảng phái, không thể là quốc kỳ. Nhà thi sĩ lại cũng đã phán một câu rằng “vô sản là tiếng nguyền rủa vô luân, hạ cấp, gớm ghiếc cần được xóa bỏ khỏi ngôn ngữ, và trong xã hội cũng phải dần dần làm cho không còn có một người vô sản nào nữa”. Engels tức mình gọi Lamartine là “tên phản tặc văn hay”. Engels là cha đẻ của chủ trương “đấu tranh giai cấp”, tuy là đại tư bản nhưng mang trong người dòng máu cách mạng...vô sản! Cái mới lạ. Phần Staline, y có một giọng hát như ca sĩ, có biệt tài làm thơ như thi sĩ, chỉ với hai tài đó y phải là một nghệ nhân; nhưng trong y, cái bản chất tàn ác lạ thường hoàn toàn lấn át bản chất của người nghệ sĩ và Staline đã trở thành một tên đồ tể khét tiếng : mới 18 tuổi đã rời bỏ chủng viện, nơi mẹ ông gởi gấm để học hành thành cố đạo, và tổ chức đánh cướp ngân hàng, sát hại binh sĩ, lấy tiền để làm... cách mạng. Đã sinh ra tên đồ tể Staline, trời lại sinh thêm Lénine với bản chất thô bạo cũng khác thường, và cặp bài trùng đó đã gây nên bao nhiêu tan tóc cho dân Nga và nhân loại. Lénine, Staline và các đồng chí ở Nga nổi lên lật đổ Nga hoàng trong một cuộc cách mạng đầy máu lữa lan tràn trên khắp thế gian. Cũng chỉ vì Nicolas II mù tịt về tình trạng của xã hội, của dân Nga nên đã phạm một lỗi lầm tài trời vào ngày chủ nhật 9/1/1905 khi đông đảo dân Nga kéo nhau đến trình “thỉnh nguyện thư” yêu cầu Nga hoàng cải tổ chính trị trong tinh thần “hòa hợp hoà giải” không một mải may nào có ý làm loạn. Thế nhưng Nga hoàng, vì mặc cảm do nhiều cuộc đình công rối ren trước đó, lại ra lịnh cho binh lính “giải tán biểu tình” bằng súng đạn, gây nên một cuộc thảm sát có đến hàng chục thương vong! Chỉ vài tháng sau,5/1905, giới thợ thuyền thành lập tổ chức mang tên sô viết đầu tiên. Trong sô viết của thành phố Pétersbourg, Troski và Nosar cho phát hành tờ tuần san Izvestia sovieta.(Tờ báo nầy vẫn còn sống sau khi Liên bang sô-viết sụp đổ). Thế mới biết trí thức bao giờ cũng dùng ngòi bút để mở đường đấu tranh. Khi Troski bị bắt, thì một nhóm khác với Gorki, Bogdanov, Minski cho ra một tờ báo mà chủ bút là bà vợ thứ hai của Gorki, kịch sĩ Maria Andreeva. Đến cuối năm đó Lénine mới trở về Pétersbourg và lập tức lăn xả vào viết báo liên tục với những tờ Luồng Sóng (Volna), Tiếng vang (Ekho), Vô sản (Proletarii)... Chính Lénine đã đặt mục tiêu sau cùng là chuyên chính vô sản, không có một đồng chí nào đũ sức lèo lái y ra khỏi 4 tiếng đó, mục tiêu đó. Chỉ với mấy chữ vàng đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản của vài ba “tư tưởng gia” từ hai thế kỷ trước mà đến nay dân Việt vẫn còn hứng chịu hậu quả khóc liệt chưa biết đến bao giờ mới hết. Trí thức không thể thiếu vắng trong bất cứ một cuộc đấu tranh nào, dù gây họa hay tạo phúc cho muôn dân. Nhưng không phải trí thức nào cũng có khả năng làm được việc đó; dân ta còn quá chậm tiến, nhút nhát, cầu an, nhứt là sợ sệt... Người dân bắc Phi đã không sợ, chấp nhận hy sinh, cùng nhau hàng trăm ngàn ngày ngày, tháng tháng xuống đường cho đến khi nào bạo quyền phải lui bước mới thôi. Dân ta có lẻ không bao giờ dám xuống đường như vậy, nên chuyện đấu tranh giai cấp của Engels và chế độ vô sản nhập cản của Lénine sẽ có triển vọng tồn tại lâu dài trên quê hương...

Nhưng thôi, chuyện nước non cũng như chuyện văn thơ, không phải ai cũng biết nghĩ, biết làm. Mỗi người có đống góp một chút gì đó là quí lắm rồi. Từng tuổi bát thập mà còn viết lách như ông bạn già của tôi đã là đáng khen. Thường tình khi vào lứa “cổ lai hi”, nếu không ra sức già cố quơ quào hưởng thụ một “cú đẹt”, thì đa số chỉ còn biết chăm sóc lấy thân già, của mình và của người bạn đường từ nửa thế kỷ trước. Lẩn quẩn có bấy nhiêu đó việc mà có khi còn làm chưa ổn, mong gì chuyện lớn. Mỗi sáng tỉnh giấc, chống tay ngồi dậy, bước xuống giườn đi tới nhà tiêu được và “ể” được là mừng cho ngày đó máy còn tốt. Chưa bị Alzheimer hay “đột quị” nằm liệt giườn, xụi lơ cán cuốc là vui lắm rồi.

Đông Vân Nguyễn văn Dõng.

Mùa hè 2011.
 

 


MỤC LỤC

Lá thư Sóng Thần

ĐH TQLC tại Dallas

Sinh hoạt hội Houston

Sinh hoạt hội Iowa

Sinh hoạt hội Nam Cali

Sinh hoạt Úc Châu

Sinh hoạt hội Washington

40 năm - Một thời chinh chiến

471 của tôi, Đại đội C của tôi

Phương Nam : Ánh sao nơi cuối Trời

Chiến Đoàn A TQLC và trận Đức Cơ

Dây biểu chương

Bạn già

Danh sách cha con, anh em ruột cùng phục vụ trong binh chủng TQLCVN

Chiến thắng đầu Xuân

Chuyện lá cờ

Chuyện những người thích nổi

Đặc khu Rừng Sát… và những ngày sau cùng

ĐĐ4/TĐ2/TQLC Tiêu diệt CX thuộc TĐ Tăng 202

Đám cưới nhà binh

Dấu chân người lính Pháo Thủ MX

Định mệnh

Đón xuân này, nhớ xuân xưa

Dòng sông tuổi nhỏ

Hai lần khoác áo TQLC

Hành trình tìm tự do

Huyền thoại chiền sĩ Mũ Xanh

Ký ức người pháo thủ Lôi Hỏa

Lao tù và vượt ngục

Một thời để yêu, một thời để nhớ

Người lính Mũ Xanh và Bé dấu yêu Trưng Vương

Tháng Tư aa trường

Người linh tiền phong

Người bạn thủy chung

Nhật ký hành quân Trung Đội

Nhảy vào Triệu Phong

Trung Đội 2/TĐ7 & những ngày cuối cùng

471 của tôi, Đại đội Viễn Thám C của tôi

Pháo Đội A/TQLC Chiến Trận Hè 1972

Quận Trưởng Triệu Phong

Tàn bạo, lừa bịp , khoác lác là bản chất CSVN

Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh

Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh

Tiểu Đoàn 2 và những biến cố chính trị

Thăm quê

Tiểu Đoàn 3, cuộc hành quân Toàn Thắng 1969

Trại Thanh Cầm và dòng sông  Mã

Trốn vượt biên

Trung Đội 2, Đại Đội 2, Tiểu Đoàn 7/TQLC

Trước Sau Như Một!

Vui buồn đời lính