Page 57 - Dac San Song Than 2023
P. 57
TỔNG HỘI THỦY QUÂN LỤC CHIẾN VIET NAM
TỔNG HỘI THỦY QUÂN LỤC CHIẾN VIỆT NAM
Nhìn theo ông ta đi xuống đồi, tôi chợt hiểu ra rằng người dân quanh vùng rất tin những
chuyện tâm linh và có lẽ cũng kính quý những người nằm trong mộ không khác gì tôi. Sau này,
tôi còn nghe nói rằng nhiều người dân An Dương tin là các vong linh nơi đây đã phù hộ cho họ
ăn nên, làm ra. Ngôi mộ tuy không được thăm viếng thường xuyên nhưng vẫn nằm trong sự che chở
tử tế của An Dương. Dù sao, An Dương cũng từng là một phần của đất nước mà những chiến sĩ nằm
đây đã đổ máu để gìn giữ, và có lẽ dân trong thôn cũng đã mất đi những người con trong cuộc chiến
năm xưa.
Quay lại ngắm nhìn khu mộ, tôi càng thấy cảm tình của dân địa phương dành cho những
người đã hy sinh vẫn còn rõ nét. Những người lập mộ đã trân trọng gìn giữ những thông tin
nhỏ nhoi mà họ thu nhặt được sau hai lần dâu bể. Năm 1975, có lẽ hầu hết những xác quân
nhân trên bờ biển đều có đeo thẻ bài, nhưng đến năm 2010 chỉ còn lại vài tấm thẻ lẫn trong
các khúc xương. Những kỷ vật hiếm quý ấy đã được giữ gìn cẩn thận, và những tên tuổi cùng số
quân thu được vẫn còn rõ nét trên những tấm bia cá nhân. Có lẽ những người lập mộ vẫn hy vọng
có thêm thân nhân đến tìm hay họ cảm thấy mỗi người nằm đây đều xứng đáng được biết tên.
Tôi đi vòng quanh, đọc từng cái tên, và cảm nhận niềm đau xót đắng lòng. Những người
nằm đây đã không nhắn được một lời cho những người thân yêu của họ vào giây phút cuối!
Mỗi một người đã là con, anh, người yêu, chồng, cha của ai đó. Người thân của họ đã đau đớn
biết bao nhiêu? Đã trông chờ, tìm kiếm trong bao lâu? Và bây giờ, cha mẹ họ hầu hết đã khuất,
những người vợ đã già, những người con đã lớn. Có ai còn mãi rơi nước mắt khóc thương hay
đau đáu tìm tin người mất tích?
Cát An Dương trắng ngà như màu khăn tang cũ trên sáu nấm mộ khổng lồ. Gió nhè nhẹ thổi
khói hương bay lãng đãng trong cái tĩnh mịch, buồn.
Đã đến lúc phải đi, nhưng tôi vẫn dùng dằng. Tôi thấy thấm thía câu hát “Rưng rưng tôi
chắp tay, nghe hồn khóc đến rướm máu, Quê hương non nước tôi ai gây hận thù, tội tình…” (2).
Thương vô cùng mấy trăm thanh niên đã mất đi mạng sống một cách tức tưởi vào những ngày
cuối của sứ mệnh bảo vệ miền Nam. Tuổi trẻ và ước mơ của họ giờ chỉ còn là những mảnh
xương tàn nơi gió cát.
Cuối cùng chúng tôi cũng chầm chậm bước xuống đồi. Đến xe, tôi mới nhận ra rằng mùi
hương trầm đã theo gót chúng tôi cho đến khi cửa xe đóng lại.
Ngày hôm sau, khi chúng tôi đang lên máy bay về Sài Gòn, trời chuyển mưa. Và chỉ một
thời gian ngắn sau, bão lớn kéo về làm ngập lụt đường phố, chặn đứng mọi xe cộ ra, vào Đà
Nẵng.
Tôi tin rằng những chiến sĩ nằm lại ở An Dương rất mong mọi người nhớ đến họ. Có
phải họ đã hợp lời xin Trời cho một ngày nắng đẹp hi hữu ngay giữa mùa bão lớn để chúng tôi
về thăm? Có phải họ đã giúp tôi về đến nơi để ghi lại đường đi cho những người khác còn tìm
đến?
Cuộc chiến Việt Nam đã cướp đi biết bao thanh niên ưu tú và để lại vô vàn khổ đau cho
người thân của họ. Ngọc đã đắm, châu đã chìm, thời gian đã qua, nhưng bổn phận của những
người được hưởng bình yên là nhớ ơn những người đã nằm xuống cho chúng ta có ngày hôm
nay.
Khôi An
(1) Chiều Trên Phá Tam Giang – Nhạc Trần Thiện Thanh, thơ Tô Thuỳ Yên
(2) Đêm Nguyện Cầu - Nhạc và lời Lê Minh Bằng
Chợ An Dương : http://www.youtube.com/wacth?v=S_xWjQ_b4cA
TRANG 45 ĐẶC SAN SÓNG THẦN 2023